Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ - Cần cái nhìn sâu sắc
Bài 2: Chăm bồi, trui rèn cán bộ
Cùng với việc đặt “nền móng” cán bộ, thì việc tiếp tục quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để trui rèn cán bộ, cả về phẩm chất đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ được lãnh đạo TP Cần Thơ đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, các công tác trên cần phải được đổi mới, đồng thời phải có sự quyết tâm từ chính bản thân người cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong thực hiện...
Anh Phan Thanh Ðiền, công chức Tư pháp - Hộ tịch thị trấn Thới Lai giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: S.H
Ðưa vào quy hoạch để chăm bồi
Hơn 7 giờ sáng, Bộ phận Một cửa thị trấn Thới Lai đã nhộn nhịp người dân đến làm các thủ tục hành chính. Tất bật với việc hỏi han người dân, tiếp nhận hồ sơ, vào sổ và cập nhật vào phần mềm, nhưng anh Phan Thanh Ðiền, công chức Tư pháp - Hộ tịch vẫn vui vẻ. Anh Ðiền bộc bạch: “Là cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, nên tôi luôn phấn đấu, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Biết mình nằm trong quy hoạch Phó Chủ tịch thị trấn, được Ðảng ủy tạo điều kiện cho đi học trung cấp lý luận chính trị, tôi càng phải cố gắng, phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Ðồng chí Hồ Hồng Sương, Bí thư Ðảng ủy Thị trấn Thới Lai, cho biết: “Ðể đưa cán bộ vào quy hoạch, Ðảng ủy đưa ra phân tích, đánh giá cặn kẽ, thấu đáo từng trường hợp nên nguồn cán bộ quy hoạch luôn đạt yêu cầu”. Sáu tháng đầu năm 2022, qua rà soát, Huyện ủy Thới Lai đã trình Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt quy hoạch Ban chấp hành Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 là 58 đồng chí, trong đó, bổ sung 6 đồng chí và đưa ra khỏi quy hoạch 29 đồng chí.
Theo đồng chí Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, hằng năm, Sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo nguồn cán bộ để phân công, bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp. Ðây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm; trong đó, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy là nữ, cán bộ trẻ ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng. Tại cuộc họp Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố 6 tháng đầu năm 2022, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cũng đã nhắc nhở, đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cùng với quy hoạch bổ sung cán bộ, để rèn luyện, thử thách và kịp thời chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ kế tiếp.
Công tác quy hoạch cán bộ luôn được thành phố thực hiện đảm bảo phương châm “động” và “mở”, gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh. Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị của thành phố chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa các ngành, các lĩnh vực với nhau, còn mang tính cục bộ, khép kín. Một số nơi thực hiện quy hoạch cán bộ chưa bám sát thực tiễn và thiếu tính khả thi, dự báo chưa chính xác về nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài; chưa đảm bảo số lượng, cơ cấu và yêu cầu về độ tuổi trong quy hoạch cán bộ theo quy định, nhất là việc đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong quy hoạch. Công tác quy hoạch ở một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ…
Rèn từ chuyên môn đến phẩm chất
Hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài theo 2 đề án Ðào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho TP Cần Thơ giai đoạn 2005-2011 (Ðề án 150) và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Ðề án 165) của Ban Tổ chức Trung ương, Lê Thanh Hòa hiện đã và đang cống hiến sức mình cho thành phố với vai trò là Phó hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố. Xác định đi học là từ tiền thuế của dân đóng góp, Lê Thanh Hòa đã nỗ lực học tập, để có được luận án đặc biệt xuất sắc và được về nước trước hạn. Với kết quả này, Văn phòng Ban chỉ đạo Ðề án 165 đã đề nghị thành phố biểu dương khen thưởng Tiến sĩ Hòa vì là một trong những học viên ưu tú của Ðề án 165. Khi du học trở về năm 2015, với cương vị Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp thành phố, Tiến sĩ Hòa đã có nhiều tham mưu xây dựng đề án, phát triển tổ chức hành nghề công chứng; luật sư; đấu giá và thừa phát lại. Hiện tại, với vai trò là Phó Hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ được phân công, Tiến sĩ Hòa đã thúc đẩy phong trào nghiên cứu của Trường Chính trị thành phố có những bước phát triển mới. Ðặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có công văn mời Tiến sĩ Hòa viết tham luận tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” diễn ra tại Cần Thơ. Tiến sĩ Hòa cho biết: “Xác định nỗ lực học tập để về tiếp tục cống hiến, nên thành phố phân công bất cứ nhiệm vụ gì tôi cũng cố gắng thực hiện tốt nhất. Tôi mong muốn thành phố tạo điều kiện hơn nữa để những người được đưa đi đào tạo phát huy tối đa khả năng và kiến thức đã học phục vụ cho sự phát triển của thành phố”.
Thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực theo Nghị quyết số 17/2014/NQ-HÐND của HÐND thành phố, qua 5 năm (2015-2020) thành phố đã thu hút, hỗ trợ khuyến khích đào tạo 1.322 lượt CBCCVC, với tổng kinh phí hơn 70,4 tỉ đồng. Trong đó, thu hút được 5 tiến sĩ, 8 thạc sĩ và 2 bác sĩ chuyên khoa I. Ðồng chí Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố, chia sẻ: “Thực hiện chính sách nêu trên, một số cơ quan, đơn vị đã thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Ðó cũng là động lực thúc đẩy CBCCVC nỗ lực học tập, tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, kỹ năng quản lý điều hành…”.
Ðể có nguồn cán bộ chất lượng cao, thời gian qua, TP Cần Thơ đã cử 90 CBCCVC và đại biểu HÐND đi bồi dưỡng tại Trường Ðại học Victoria Wellington, New Zealand (từ năm 2016-2018), theo Ðề án “Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho CBCCVC và đại biểu HÐND nhiệm kỳ 2016-2021 của Cần Thơ” và 30 CBCCVC tham gia học tập ngắn hạn theo đề án “Bồi dưỡng CBCCVC thành phố Cần Thơ tại Trường đại học California, Riverside, Hoa Kỳ giai đoạn 2018-2020”.
Là một trong những cán bộ tham gia đoàn đi học tập bồi dưỡng tại Trường Ðại học Victoria Wellington, New Zealand, chị Ðinh Thị Minh Thư, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố, cho biết: “Chúng tôi được bồi dưỡng nhiều kiến thức thiết thực, giúp nâng cao kỹ năng trong hoạt động dân cử và quản lý nhà nước. Sau chuyến học tập bồi dưỡng đó, chúng tôi có kiến nghị lãnh đạo thành phố nghiên cứu và xây dựng TP Cần Thơ trở thành “Thành phố đáng sống” như: đảm bảo môi trường trong sạch, làm thay đổi nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, cảnh quan chung; tập trung đầu tư khoa học công nghệ cho công tác quản lý; chỉ đạo CBCCVC xây dựng phong cách làm việc khoa học; khi đầu tư các công trình công cộng (công hay tư) cần chú trọng các yếu tố con người và công tác an sinh xã hội… Những kiến nghị này, được thành phố tiếp thu. Rõ nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý điều hành của thành phố”.
Bên cạnh công tác đào tạo chuyên môn, các cấp, các ngành, địa phương của thành phố còn chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI, XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (nay là thực hiện Kết luận 01-KL/TW và Kết luận số 21-KL/TW). Tại huyện Vĩnh Thạnh, từng đảng viên phải xây dựng bản cam kết học tập và làm theo Bác, gắn với viết Nhật ký làm theo Bác theo phong trào “tự soi, tự sửa” được Huyện ủy xây dựng từ năm 2017. Qua 7 lần tự soi, tự sửa, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của CBCCVC huyện, giảm dần từ 83,47% (năm 2017) đến nay đã không còn các biểu hiện suy thoái.
Mặc dù các cấp, các ngành tập trung chăm bồi, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, nhưng qua giám sát của HÐND thành phố về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức cho thấy chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, các lớp bồi dưỡng tập trung cho những đối tượng cùng cấp, nội dung chưa chuyên sâu từng ngành, từng lĩnh vực, kỹ năng áp dụng trong thực tiễn còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến pháp luật ở một số nơi chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên; tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở một số nơi…
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XI đến năm 2021, Cần Thơ có 437 lượt cán bộ được phê duyệt quy hoạch chức danh ủy viên BCH Ðảng bộ thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và chức danh thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 11,9%, cán bộ nữ chiếm 18,31%. Thành phố cũng đã phê duyệt 4.710 lượt cán bộ vào quy hoạch các chức danh thuộc diện Thành ủy quản lý. Cán bộ trẻ dưới 40 tuổi được quan tâm đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 30,06%...
* Sơn Hà
Nguồn: baocantho.com.vn