Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
Xây dựng “chính quyền kiến tạo” phục vụ doanh nghiệp, nhân dân trong quá trình thực thi công vụ
(CT) - Ngày 16-1, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố kết quả Đề án “Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) TP Cần Thơ” năm 2023. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQVN thành phố, các sở, ban, ngành và địa phương dự hội nghị.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng các đại biểu dự hội nghị công bố Đề án DDCI thành phố năm 2023.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường lưu ý, từ kết quả khảo sát của Đề án, các sở, ban, ngành đánh giá đúng thực trạng, xác định nguyên nhân hạn chế, từ đó đề ra giải pháp cải thiện điểm số các chỉ số thành phần có điểm đạt thấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp (DN). Thành phố quyết tâm cải cách trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành các cấp và chính quyền địa phương, xây dựng “chính quyền kiến tạo” phục vụ DN, nhân dân trong quá trình thực thi công vụ. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tham mưu, phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội thành phố tham mưu phương án, lộ trình để xây dựng Trang thông tin điện tử riêng cho Bộ chỉ số DDCI thành phố. Viện Kinh tế - Xã hội thành phố tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, nghiên cứu, rà soát, xây dựng phương án thực hiện khảo sát đánh giá DDCI thành phố năm 2024 và những năm tiếp theo. Tổ chức khảo sát, học tập mô hình điểm, cách làm tốt của các đơn vị, địa phương để tham mưu UBND thành phố nhằm cải thiện chỉ số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Báo cáo DDCI của TP Cần Thơ năm 2023 cho thấy, các sở, ban, ngành đã đạt được kết quả nổi bật ở các chỉ số: hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật và thiết chế pháp lý, tính năng động và trách nhiệm giải trình, chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa. Đồng thời, chủ động hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ DN; công tác xây dựng chính quyền điện tử thực hiện khá tốt. Đối với các quận, huyện, hầu hết chủ động phát huy vai trò trung tâm vùng; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo UBND cấp huyện đạt yêu cầu chung của DN (tỷ lệ không hài lòng chỉ dưới 5%). Công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc, chất lượng dịch vụ công được nâng lên, hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được DN đánh gia cao về tính nghiêm túc triển khai.
Các đại biểu phát biểu góp ý việc triển khai thực hiện Đề án DDCI thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đối với cấp sở, ban, ngành, điểm đáng quan ngại là chi phí không chính thức có điểm số thấp trong 12 chỉ số DDCI; còn tồn tại phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực của Nhà nước qua thực hiện chính sách hỗ trợ DN; kết quả đào tạo lao động chưa tương xứng với vai trò quan trọng là trung tâm đào tạo nhân lực vùng ĐBSCL; DN còn phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt các lĩnh vực đầu tư xây dựng, thuế, đất đai. Chỉ số tính minh bạch thông tin và đối xử công bằng ở khối quận, huyện có điểm số thấp nhất. Theo đó, DN phản ánh khó khăn khi tiếp cận các quy định về thuế, ưu đãi liên quan đến thuế và các chương trình hỗ trợ sản xuất.
Về kết quả xếp hạng DDCI năm 2023, Cục Hải quan TP Cần Thơ đứng đầu bảng, kế tiếp là Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng; đứng cuối bảng là Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ. Đối với khối quận, huyện: Thốt Nốt đứng đầu bảng xếp hạng, kế tiếp lần lượt là Ô Môn, Vĩnh Thạnh; xếp cuối bảng là quận Bình Thủy.
Tin, ảnh: Q. THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn