Ủy ban nhân dân thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2022 về công tác cải cách hành chính năm 2023.
Theo đó, thành phố xác định mục tiêu chung phấn đấu đến cuối năm 2023, thành phố Cần Thơ thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh, Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, đạt các mục tiêu về cải cách hành chính (CCHC). Đồng thời, xác định 17 mục tiêu cụ thể, trong đó có một số mục tiêu quan trọng như sau:
- Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 70%, 60%, 55%; tổ chức quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố hoặc tại Bộ phận Một cửa cấp sở, Bộ phận Một cửa của UBND quận, huyện (sau đây gọi tắt là cấp huyện), Bộ phận Một cửa của UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) đạt 100% từ tháng 7 năm 2023;
- Tối thiểu 70% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến; trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 40% trở lên;
- 100% TTHC trên địa bàn thành phố, có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 30%;
- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 86%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 78%;
- Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 86%. Mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 82%.
- 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương;
Thành phố đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện công tác CCHC và giao cho các sở, ngành chủ trì triển khai thực hiện bao gồm:
1. Công tác chỉ đạo điều hành: giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, Chương trình số 26-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về CCHC, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ, Kế hoạch CCHC thành phố giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những CBCCVC vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBCCVC, người dân, doanh nghiệp, xã hội về CCHC với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng; phát huy vai trò giám sát và tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông.
2. Công tác cải cách thể chế: giao Sở Tư pháp chủ trì tham mưu UBND thành phố thực hiện đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản ở địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật;
3. Công tác cải cách thủ tục hành chính: giao Văn phòng UBND thành phố chủ trì, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình và tổ chức thực hiện các kế hoạch về công tác kiểm soát TTHC; kiểm tra công tác kiểm soát TTHC; tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng DVC trực tuyến; phát động phong trào thi đua; đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa trong giải quyết TTHC. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố;
4. Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND thành phố tiếp tục triển khai chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; triển khai, thực hiện lộ trình tinh giản biên chế công chức và số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
5. Công tác cải cách chế độ công vụ: giao Sở Nội vụ chủ trì tiếp tục công tác nghiên cứu, rà soát các nội dung chưa thống nhất, chồng chéo, trùng lặp trong văn bản do địa phương ban hành liên quan đến công tác quản lý, sử dụng CBCCVC đề xuất điều chỉnh phù hợp; tăng cường giải pháp nâng cao đạo đức công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của CBCCVC;
6. Công tác cải cách tài chính công: giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và đầu tư công. Triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, ngân sách. Kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị để giúp tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
7. Công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước thành phố Cần Thơ, Đề án xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về chính quyền số, chuyển đổi số; đầu tư trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND cấp huyện trên cơ sở Kế hoạch số 241/KH-UBND, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai phù hợp với yêu cầu thực tế, gửi về Sở Nội vụ chậm nhất ngày 31 tháng 01 năm 2023 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố đổi mới, nâng cao hiệu quả việc tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu UBND thành phố những giải pháp kịp thời tháo gỡ, góp phần nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Giao Sở Y tế chủ trì và triển khai thực hiện công tác khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế công trên địa bàn thành phố; phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố nghiên cứu cải cách TTHC trong lĩnh vực y tế theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và giảm áp lực giấy tờ đối với các cơ sở điều trị, dành thời gian thích đáng để các cơ sở điều trị tập trung cho chuyên môn; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và triển khai thực hiện Đề án khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn thành phố; tham mưu UBND thành phố các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đổi mới, quản lý và triển khai thực hiện có hiệu quả HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cơ quan có liên quan thực hiện tuyên truyền các nội dung CCHC trên các phương tiện tuyên truyền cổ động trực quan như pano, băng rôn, LED và tuyên truyền lưu động.
Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ, các cơ quan báo, đài Trung ương đóng tại địa phương cần chủ động xây dựng chuyên mục, chuyên trang về CCHC để tuyên truyền Chương trình CCHC nhà nước và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về CCHC nhà nước của thành phố. Các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn thành phố căn cứ vào Kế hoạch này và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị mình; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi báo cáo về UBND thành phố (thông qua Sở Nội vụ).
Riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức kiểm tra định kỳ theo Kế hoạch năm; đảm bảo kiểm tra ít nhất 30% phòng ban chuyên môn, UBND cấp xã trực thuộc. Nghiên cứu, đề xuất với UBND thành phố xử lý những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình kiểm tra; kiểm tra đột xuất công tác CCHC tại các phòng, ban; UBND cấp xã, nhất là kiểm tra việc tổ chức thực hiện TTHC và thái độ phục vụ của CBCCVC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; tiếp tục thực hiện mô hình Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa UBND cấp huyện với người dân phù hợp yêu cầu của địa phương mình; đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện DVC trực tuyến. Bố trí kinh phí hợp lý cho hoạt động CCHC của địa phương phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí, truyền thông, người dân, tổ chức và doanh nghiệp thành phố tích cực tham gia, giám sát thực hiện công tác CCHC của thành phố./.
Việt Uyên