TP Cần Thơ đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(CT) - Ngày 10-1, Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) TP Cần Thơ do ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Ðoàn ÐBQH thành phố, Giám đốc Công an thành phố làm Trưởng đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11-01-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn thành phố” đối với UBND thành phố. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố tham dự.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Ðoàn ÐBQH thành phố, Giám đốc Công an thành phố phát biểu tại cuộc giám sát.

Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 12,41% so với năm 2021 và năm 2023 tăng 5,75% so năm 2022; tính chung giai đoạn 2021- 2023 tăng bình quân 9,01%/năm. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán của Trung ương thực hiện là 33.210 tỉ đồng và tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 29.019 tỉ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước thực hiện trên 80.184 tỉ đồng. Hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển, hiện có 49 chi nhánh tổ chức tín dụng, 7 quỹ tín dụng nhân dân với 188 phòng giao dịch ngân hàng, tạo thuận lợi cho huy động và cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, vốn huy động tăng từ 92.969 tỉ đồng năm 2021 lên 113.500 tỉ đồng ước năm 2023 và tổng dư nợ cho vay đạt 120.617 tỉ đồng năm 2021 và tăng lên 152.000 tỉ đồng năm 2023. Giai đoạn 2021-2023, tổng kim ngạch xuất khẩu, dịch vụ và thu ngoại tệ ước đạt 6.247,1 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu thực hiện 1.538,5 triệu USD…

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố Cần Thơ, nền kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, cần có thời gian khôi phục dần để phục hồi và phát triển. Ngoài ra, năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ. Nội lực về vốn đầu tư và doanh nghiệp dẫn đầu mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế của thành phố còn chưa thật sự mạnh mẽ. Bên cạnh đó, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đơn hàng, các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp do sức cầu suy giảm. UBND thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế cho giai đoạn 2024-2025; trên cơ sở đánh giá các tồn tại, hạn chế, đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát các Nghị định có liên quan đến chương trình, kịp thời điều chỉnh phù hợp với giai đoạn mới, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện trong tình hình mới.

Ðoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực của UBND thành phố đã cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả nhất định. Ðoàn giám sát cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội. Riêng đối với dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ðoàn đề nghị UBND thành phố cần chủ động tìm nguồn cát để thi công dự án, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án…

Tin, ảnh: THANH THƯ

Nguồn: baocantho.com.vn