Thúc đẩy tiến trình minh bạch tài chính công

TP Cần Thơ là một trong 3 địa phương tại Việt Nam vừa hoàn thành Chương trình Ðánh giá chi tiêu công và Trách nhiệm giải trình (PEFA). Khung đánh giá này bao gồm 31 chỉ số tổng hợp theo 7 trụ cột giúp đánh giá toàn diện hiệu quả của hệ thống tài chính công. Theo đó, Cần Thơ đã đạt kết quả tích cực về kỷ cương tài chính, kiểm soát chi tiêu công, quản lý dòng tiền…nhưng vẫn còn nhiều chỉ số cần cải thiện thời gian tới.

https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2023/20230128/images/12-1.jpg

Lãnh đạo TP Cần Thơ, chuyên gia WB, SECO dự hội thảo. Ảnh: CTV

Cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng

PEFA nằm trong Chương trình hỗ trợ kỹ thuật cải cách quản lý tài chính công cấp địa phương do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ thực hiện. Kỳ đánh giá PEFA tại Cần Thơ bắt đầu năm 2020 và kết thúc tháng 5-2022. PEFA là chuẩn mực được quốc tế công nhận và sử dụng rộng rãi. Việc chấm điểm (thang A, B, C, D) hệ thống tài chính công được xem là công cụ giúp đo lường hiệu quả của việc phân bổ, quản lý nguồn lực công và nâng cao chất lượng dịch vụ khu vực công. Có hơn 700 báo cáo PEFA được thực hiện tại 155 quốc gia trên thế giới.

Khung đánh giá dựa trên 7 trụ cột của hệ thống quản lý tài chính công bao gồm: Ðộ tin cậy của ngân sách, minh bạch về tài chính công, quản lý tài sản có và tài sản nợ, lập chính sách và chính sách tài khóa dựa trên chính sách, khả năng tiên liệu và kiểm soát tình hình thực hiện ngân sách, kế toán và báo cáo, giám sát và kiểm toán bên ngoài. PEFA là khung để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hoàn thiện hệ thống quản lý tài chính công. Ðồng thời hỗ trợ Chính phủ, các địa phương cải thiện bền vững các hạn chế, yếu kém trong quản lý tài chính công.

Tại hội thảo công bố kết quả đánh giá PEFA mới đây, báo cáo tổng quan của WB ghi nhận kết quả đánh giá tổng thể về kỷ cương tài khóa, phân bổ nguồn lực theo chiến lược, hiệu suất phân bổ nguồn lực Cần Thơ có nhiều điểm mạnh. Cụ thể: chi tiêu tài chính được kiểm soát chặt chẽ, điều hành ngân sách trong năm được thực hiện theo các quy tắc, thủ tục rõ ràng, tỷ lệ nợ đọng thấp, quản lý đấu thầu từng bước được cải thiện, ngân sách được giám sát qua HÐND thành phố… Tuy nhiên, thành phố còn phải nỗ lực cải thiện tốt hơn ở nhiều lĩnh vực còn hạn chế như: lập kế hoạch đầu tư công, quản lý rủi ro tài chính, hiệu suất cung cấp dịch vụ thấp và sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định tài chính công…

Theo bà Nguyễn Phương Anh, Chuyên gia cao cấp về khu vực công (WB), bên cạnh các điểm mạnh, Cần Thơ còn có điểm yếu như kiểm soát tổng mức ngân sách còn yếu, chưa quản lý tốt các rủi ro tài chính; chi đầu tư phụ thuộc nhiều vào nguồn thu được hưởng nên chưa bền vững; các dự báo và phân tích tác động tài khóa chưa đạt độ tin cậy cao nên dự toán ngân sách chưa sát; các khoản dự toán chênh lệch giữa các năm chưa được giải thích và giải trình đầy đủ… Phân bổ nguồn lực hằng năm, đặc biệt cho các dự án đầu tư công, chưa đảm bảo khả năng dự báo, không sát với tiến độ thực hiện dự án dẫn đến giải ngân chậm so với kế hoạch. Cần Thơ chưa dành sẵn nguồn lực chi cho các rủi ro tài chính; chẳng hạn đại dịch COVID-19 vừa qua, thành phố dùng quỹ dự phòng để chi hỗ trợ, như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách.

Kết quả điểm số trong 31 chỉ số tổng hợp theo khung đánh giá PEFA của Cần Thơ, điểm C và D chiếm tỷ trọng cao. Vì vậy, việc cải thiện các điểm số để đạt mức B, A cần rất nhiều nỗ lực để đạt mục tiêu tài chính và ngân sách một cách hiệu quả, bền vững.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình

Các chuyên gia WB cũng đưa ra các kiến nghị để tiệm cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về chi tiêu công, quản lý tài chính công theo khung đánh giá PEFA thì các báo cáo của địa phương phải được kiểm toán đầy đủ, trình HÐND phê duyệt; tiêu chí lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư bằng ngân sách phải cụ thể và công khai; điều chỉnh ngân sách lớn trong năm không được thực hiện quá 2 lần và phải đảm bảo khả năng tiên liệu, minh bạch; tăng cường sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách; dự báo các rủi ro tài chính để đưa vào kế hoạch dự toán… Ðồng thời phải có sự tham vấn của các bên liên quan và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện phân bổ ngân sách, giám sát thanh toán, kiểm toán.

Ông Vũ Cương, Cố vấn Quản lý tài chính công, nhận định: Theo khung đánh giá PEFA ở chỉ số khả năng tiên liệu về phân bổ nguồn lực trong năm thì Cần Thơ có 3 nội dung đạt điểm A, 1 nội dung đạt điểm B, dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, nợ đọng thấp; các vấn đề chi ngân sách được giám sát chặt bởi HÐND thành phố. Ðối với quản lý đấu thầu trong mua sắm từng bước được cải thiện; tất cả các đơn vị đều tuân thủ phương thức đấu thầu cạnh tranh rộng rãi mặc định theo luật. Tuy nhiên, chỉ định thầu (phương pháp phi cạnh tranh) chiếm 12% tổng giá trị hợp đồng của khu vực nhà nước được ký kết (báo cáo năm 2019). Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về đấu thầu của công chúng chưa đầy đủ. Ðể cải thiện điểm số đấu thầu và đạt điểm B, ít nhất 4 trên 6 nội dung thông tin chính về đấu thầu phải đầy đủ, đáng tin cậy tại các đơn vị phụ trách; đồng thời phải được công khai ra công chúng kịp thời.

Ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cũng chia sẻ về một số hạn chế của thành phố theo kết quả đánh giá PEFA, như thành phố chưa có thông tin giải trình về các thay đổi số liệu giữa kỳ báo cáo (dự toán ngân sách 2019 cho năm 2020); việc quản lý công sản chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả, do nhiều sở, ngành quản lý tài sản công theo lĩnh vực phụ trách. Sở sẽ tổng hợp ý kiến khuyến nghị của các chuyên gia để trình lãnh đạo thành phố; đồng thời mong WB, SECO tiếp tục hỗ trợ thành phố cải thiện các chỉ số theo khung đánh giá PEFA để đạt điểm cao hơn trong thời gian tới. Cụ thể là hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch tài khóa trung hạn, bao gồm các mục tiêu, nguyên tắc tài khóa, chính sách thu - chi, xác định các nguồn thu mới, nâng cao năng lực dự báo tài chính; đặc biệt là phân bổ ngân sách dựa theo đầu ra; tổ chức tập huấn nâng cao cho cán bộ làm công tác tài chính địa phương. Hỗ trợ địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính công; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp chung cho thành phố để phục vụ quá trình dự báo tài chính trung hạn, quyết toán ngân sách.

GIA BẢO

Nguồn: baocantho.com.vn