Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: DƯƠNG GIANG-TTXVN
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ có các đồng chí: Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ; Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố.
Ðến nay, kết quả thực hiện Ðề án 06 đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao (thông báo lưu trú, cấp hộ chiếu, thủ tục làm con dấu mới…); việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đã giúp tổ chức và cá nhân tiết kiệm chi phí rất lớn. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương. Về phát triển công dân số, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là bước tiến mới đưa Việt Nam chính thức trở thành một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.
Kết quả triển khai CÐS năm 2022, có 9/12 chỉ tiêu của Ủy ban Quốc gia về CÐS đã hoàn thành. Các nội dung về CÐS đạt một số kết quả quan trọng. Cụ thể về chính phủ số, cổng dịch vụ công quốc gia trong 11 tháng đầu năm 2022 có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và đã có trên 5,8 triệu văn bản điện tử gửi - nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. Về kinh tế số, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến hết năm 2022 ước đạt hơn 70.000, tăng gần 6.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ CÐS bằng các nền tảng số Việt Nam đã có 671.469 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia; có 73.058 doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số SMEdx; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử ước đạt 50%… Về xã hội số, cả nước có 3,23 tỉ lượt tải mới các ứng dụng di động, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 9 toàn cầu về số lượt tải mới ứng dụng di động.
Lãnh đạo TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo sở, ban ngành thành phố tham dự hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023 dự báo có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, nhưng xác định thách thức nhiều hơn. Do đó, cần phải thúc đẩy CÐS, Ðề án 06; góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. CÐS là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương và đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. CÐS là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Ngoài ra, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm; tạo tổng lực trên tất cả các lĩnh vực và ngành nghề, nhưng cũng phải có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện một cách bài bản, thực chất và hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí, bệnh hình thức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ triển khai Chương trình CÐS quốc gia, Ðề án 06 một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Năm 2023 với chủ đề là "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", từ kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng chương trình CÐS, với trọng tâm là Ðề án 06 sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
ANH KHOA
Nguồn: baocantho.com.vn