Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của TP Cần Thơ, giai đoạn 2023-2025, 4 phường An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình (quận Ninh Kiều) thuộc diện sáp nhập. Công tác sắp xếp 4 ĐVHC này là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các cơ quan, đơn vị và quận Ninh Kiều khẩn trương thực hiện, nhằm đảm bảo tiến độ, đúng quy định pháp luật và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị phối hợp quận Ninh Kiều có lộ trình sắp xếp CBCCVC dôi dư khi sáp nhập các phường. Trong ảnh: Công chức phường An Phú, quận Ninh Kiều, giải quyết hồ sơ của người dân. Ảnh: CTV
Tuyên truyền, tạo sự đồng thuận
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 vào trung tuần tháng 3-2024, ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ báo cáo về nội dung dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố. Trong đó, nhấn mạnh căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc sắp xếp các ĐVHC. Đó là đảm bảo hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được nâng lên, giảm chi ngân sách; dân số và diện tích của ĐVHC phù hợp quy định. Đồng thời, phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH thành phố.
Theo dự thảo Đề án, việc sáp nhập 4 phường An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình thuộc quận Ninh Kiều là các phường có vị trí địa lý liền kề nhau, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa và đều thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sáp nhập các phường trên nhằm phù hợp Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phương án sắp xếp của thành phố, sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 phường trên, thành lập phường Thới Bình mới. Sau khi sắp xếp, phường Thới Bình mới có diện tích tự nhiên là 1,99km2 (đạt 36,11% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số là 56.364 người (đạt 375,76% so với tiêu chuẩn). Việc sáp nhập các phường trên góp phần giúp tăng nguồn lực đất đai, mở rộng không gian đô thị để phường Thới Bình (mới) có điều kiện phát triển thành một trung tâm kinh tế - xã hội của quận Ninh Kiều. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của CBCCVC, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC, các phường đã rà soát, thống kê, lập, niêm yết danh sách cử tri để lấy ý kiến về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, UBND 4 phường thuộc diện sắp xếp, đã niêm yết danh sách 31.909 cử tri, với 9.059 hộ và đang tiếp tục rà soát đến ngày 26-3-2024. UBND quận chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị phường thuộc diện sắp xếp. Qua đó, đã thống kê 31 cơ sở với 6.772,06m2 đất và 8.600,55m2 nhà.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp quận Ninh Kiều tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện sắp xếp ĐVHC đến các cơ quan, tổ chức, đội ngũ CBCCVC, người lao động và nhân dân trên địa bàn để tạo sự đồng thuận của cử tri trước, trong và sau khi tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc sáp nhập các phường. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, hướng dẫn của Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị UBND quận Ninh Kiều chỉ đạo UBND các phường thuộc diện sắp xếp triển khai công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, đảm bảo đúng quy định pháp luật và hoàn thành trước ngày 29-3-2024.
Sắp xếp đội ngũ CBCCVC dôi dư
Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, thống kê sơ bộ, 4 phường thuộc diện sắp xếp có tổng số 251 CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách, người lao động (chưa bao gồm số lượng người làm việc tại các khu vực). Trong đó, có 81 CBCC, 47 người hoạt động không chuyên trách, lực lượng Công an có 36 người, lực lượng Quân sự có 33 người, 25 VC trạm y tế, bảo vệ dân phố có 15 người, 14 người làm việc ở các hội. Sau sắp xếp 4 phường, dự kiến số lượng người dôi dư là 180 người (bao gồm lực lượng Công an và trạm y tế).
Việc sáp nhập 4 phường thuộc quận Ninh Kiều góp phần mở rộng không gian phát triển đô thị. Trong ảnh: Một góc đô thị phường An Cư - 1 trong 4 phường thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Q. THÁI
Về phương án bố trí nhân sự dôi dư sau sắp xếp, theo ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ, đối với số CB các phường dôi dư (bao gồm: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội), các địa phương căn cứ theo tiêu chuẩn quy định về công tác CB, lựa chọn người đủ tiêu chuẩn để bầu giữ các chức vụ lãnh đạo ở phường mới. Bên cạnh đó, điều động, bố trí giữ vị trí phù hợp trình độ chuyên môn được đào tạo và chức danh theo quy định tại các đơn vị hành chính cùng cấp khác trên địa bàn còn khuyết nhân sự; xét chuyển từ CBCC các phường thành CC cấp huyện trở lên đối với các trường hợp đủ điều kiện để bố trí vào các vị trí tại các phòng, ban, ngành của quận và các phòng, ban chuyên môn của sở, ban, ngành thành phố (còn khuyết nhân sự). Các địa phương cần vận động CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giải quyết chế độ nghỉ hưu, chế độ nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với CBCCVC dôi dư sau khi sắp xếp theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ đối với CBCCVC, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn. Cũng theo dự thảo Đề án, sẽ thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời gian bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm). Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.
ÔNG TRẦN VIỆT TRƯỜNG, CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ: Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến cử tri các địa phương, kết quả họp HĐND các cấp, giao Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu, trình UBND thành phố ký tờ trình gửi Bộ Nội vụ, Chính phủ về hồ sơ sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trước ngày 30-4-2024. Việc triển khai xây dựng Đề án nêu trên trong bối cảnh rất khẩn trương, thời gian chỉ còn hơn 1,5 tháng để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Do đó, đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, đảm bảo tiến độ xây dựng và gửi hồ sơ Đề án về Bộ Nội vụ, Chính phủ đúng thời gian quy định. |
QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn