Các quy định về giá đất trong Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của nhiều người, vì liên quan thiết thực đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Nhiều ý kiến cho rằng các vấn đề pháp lý điều chỉnh về giá đất và định giá đất cần phải có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn.
PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ tham gia ý kiến đóng góp dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ tổ chức.
Thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập, do đó giá đất cụ thể không sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, quy định về các phương pháp xác định giá đất cụ thể (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư, hệ số) chưa thực sự rõ ràng và hợp lý, dẫn đến thực trạng các địa phương tùy ý lựa chọn phương pháp định giá đất.
Chính việc thiếu cơ chế, phương pháp xác định giá đất phù hợp, dẫn đến thị trường bất động sản diễn biến phức tạp; việc quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai, để công tác định giá đất sát với giá thị trường, cần phải có cơ sở pháp lý (luật, văn bản dưới luật, nghị định, thông tư, quyết định) minh bạch, rõ ràng, tuân thủ đúng quy luật hình thành và vận động của giá cả thị trường. Ðồng thời, đội ngũ cán bộ thực thi liên quan đất đai cần có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác định giá phải có độ tin cậy, chuẩn xác; có sự giám sát, thanh tra, kiểm tra đầy đủ. Ông Lương Duy Khanh cho rằng: “Giải pháp tối ưu nhất để định giá đất sát với giá thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập thực hiện. Các tổ chức định giá đất độc lập sẽ thực hiện những hoạt động cụ thể ở từng địa phương như xây dựng bảng giá đất trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xác định giá đất cụ thể đối với từng trường hợp pháp luật quy định... Về bảng giá đất, tôi thống nhất với quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm”.
Cũng liên quan đến quy định về giá đất, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ, góp ý: “Dự thảo cần bổ sung khoản 4, Ðiều 226, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều này về khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Quy định về giải quyết khiếu kiện cần bổ sung việc giải quyết khiếu kiện trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó có quyết định hành chính, hành vi hành chính về xác định giá đất cụ thể”.
Bên cạnh giá đất, các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) được người sử dụng đất quan tâm. PGS.TS Phan Trung Hiền đề nghị: Khoản 3, Ðiều 54 Hiến pháp quy định “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch”, nên bổ sung vào Ðiều 77a, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) nguyên tắc thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có nguyên tắc công khai, minh bạch”.
Ngoài ra, một trong những vấn đề mà người sử dụng đất quan tâm là giao nền tái định cư. Thực tế, có trường hợp người bị thu hồi đất chậm nhận nền tái định cư kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt. Từ đó, dẫn đến việc khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. PGS.TS Phan Trung Hiền kiến nghị: Khoản 1, Ðiều 106, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cần phải bổ sung thời hạn giao nền tái định cư và cấp nền tái định cư. Ví dụ sau khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực 30 ngày thì phải giao nền tái định cư. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao đất trên thực địa, phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu bị chậm so với thời hạn trên thì phải trả thêm tiền phạt được tính theo Luật Thuế về chậm nộp, giống như Ðiều 109”…
Bài, ảnh: Chấn Hưng
Nguồn: baocantho.com.vn