UBND thành phố vừa ban hành Quy chế đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Quy chế này nhằm đánh giá toàn diện, chính xác tình hình, kết quả cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; làm cơ sở để xem xét biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vi phạm các quy định về cải cách hành chính. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm, sự chủ động của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính.
Việc đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, dân chủ và công bằng trong việc đánh giá, xếp hạng; bám sát các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố về cải cách hành chính; đồng thời, xem xét các đặc thù về yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, mỗi cấp. Kết quả cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị phải phản ánh đúng thực chất kết quả, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được quy định
Nội dung và tiêu chí đánh giá kết quả cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; Tác động của cải cách hành chính.
Việc đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính được thực hiện định kỳ hằng năm. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tự đánh giá, chấm điểm trên hệ thống phần mềm; phê duyệt báo cáo và hoàn thành việc nhập dữ liệu kết quả vào phần mềm Chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính của thành phố chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.
Các đơn vị, địa phương sẽ bị trừ 2% tổng số điểm sau khi thẩm định đối với trường hợp có đơn thư tố cáo, kiến nghị đúng sự thật về thái độ, hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phòng, ban chuyên môn do cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý; đơn vị thực hiện không tốt các nội dung quản lý để báo đài và các phương tiện truyền thông phản ánh đúng sự thật hoặc người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đơn vị bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên.
Bên cạnh đó, đơn vị được cộng điểm trong các trường hợp sau: (1) Thứ hạng các lĩnh vực trong bộ Chỉ số Cải cách hành chính tăng so với năm trước liền kề: mỗi lĩnh vực tăng được cộng 0,25 điểm và tổng điểm cộng không quá 1,5 điểm (chỉ áp dụng đối với sở, ngành); (2) Chỉ số hài lòng của các đơn vị hành chính cấp xã đạt trên 85%: cộng thêm 01 điểm (chỉ áp dụng đối với cấp huyện).
Hội đồng thẩm định của thành phố tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá, xếp hạng của các đơn vị, địa phương; trình Ủy ban nhân dân thành phố kết quả chậm nhất là ngày 15 tháng 01 năm sau liền kề.
Căn cứ Chỉ số cải cách hành chính mà mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được, thực hiện việc xếp hạng kết quả cải cách hành chính hằng năm như sau:
- Cơ quan, đơn vị được xếp loại Rất tốt khi Chỉ số đạt từ 95% đến 100%;
- Cơ quan, đơn vị được xếp loại Tốt khi Chỉ số đạt từ 85% đến dưới 95%;
- Cơ quan, đơn vị được xếp loại Khá khi Chỉ số đạt từ 75% đến dưới 85%;
- Cơ quan, đơn vị được xếp loại Trung bình khi Chỉ số đạt từ 65% đến dưới 75%;
- Cơ quan, đơn vị được xếp loại Yếu khi Chỉ số đạt dưới 65%.
Ủy ban nhân dân thành phố giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt Quy chế này trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương và quản lý, chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; căn cứ kết quả xếp hạng cải cách hành chính, quyết định việc khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị UBND thành phố xem xét, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong công tác cải cách hành chính; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các cơ quan, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm các quy định, chỉ đạo về cải cách hành chính; xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, giao Sở Nội vụ giúp UBND thành phố hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy chế này; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện và tham mưu UBND thành phố giải quyết các vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế hoặc vi phạm các quy định, chỉ đạo về cải cách hành chính./.
Việt Uyên