Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được TP Cần Thơ xác định là khâu quan trọng góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC, song vẫn còn một số khó khăn, trở ngại cần được nỗ lực cải thiện, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Xung quanh công tác này, ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết:
- Nhằm cải thiện các chỉ số về CCHC, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 12-7-2022 đề ra giải pháp cải thiện các Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong kế hoạch cải thiện, nêu rõ giải pháp cụ thể đối với tiêu chí bị mất điểm, phân công trách nhiệm từng đơn vị, địa phương có liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra CCHC tại các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền về CCHC, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, viên chức về công tác này; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC, đặc biệt là thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện những nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, tuyên truyền hỗ trợ trực tiếp người dân tham gia chính quyền số, chuyển đổi số (CĐS) trong đó có tham gia các dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn quy trình theo quy định.
Để cải thiện và phân tích những hạn chế của các địa phương trong thực hiện CCHC, Sở Nội vụ đã phối hợp tổ chức 3 cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC tại các quận, huyện, bàn giải pháp khắc phục và cải thiện các chỉ số có liên quan. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai nhiều giải pháp mới trong công tác CCHC. Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố tổ chức hội thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS năm 2022, với 244 thí sinh là lãnh đạo cấp phòng (thuộc sở và UBND cấp huyện); chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã tham gia. Đồng thời, tổ chức cuộc thi khảo sát kiến thức CCHC đối với 633 công chức, viên chức phụ trách tại Bộ phận Một cửa cấp sở, cấp huyện và cấp xã. Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai việc tiếp nhận trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh trong 1 ngày làm việc (trước đây là 3 ngày) đối với 4 TTHC tiếp nhận hồ sơ trực tiếp và 1 TTHC tiếp nhận trực tuyến. Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai ứng dụng Zalo Official, cung cấp các thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến, xây dựng trợ lý ảo hỏi đáp về TTHC lĩnh vực tài nguyên môi trường. UBND quận Ô Môn triển khai thực hiện mô hình tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến đến tận khu dân cư và hộ gia đình.
Công chức Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp TP Cần Thơ giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Q. THÁI
* Việc xây dựng chính quyền điện tử là nền tảng quan trọng tăng cường tính công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Xin ông cho biết nội dung này được triển khai đạt kết quả ra sao?
- UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn; phát động phong trào thi đua CĐS đến năm 2025; tổ chức trên 12 hội thảo, hội nghị, tọa đàm về CĐS, thu hút hơn 3.000 lượt người tham gia. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, Chủ tịch UBND thành phố ban hành 54 quyết định công bố danh mục TTHC. Toàn bộ TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết tại các cơ quan tiếp nhận và giải quyết TTHC. Việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được đẩy mạnh. Thành phố đã tích hợp 440 dịch vụ công trực tuyến có thu phí, lệ phí lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 92% dịch vụ công trực tuyến có thu phí, lệ phí). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 27,85%; một số cơ quan có tỷ lệ thanh toán trực tuyến cao: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (97,78%), Sở Công Thương (86,21%), Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (100%).
Cổng dịch vụ công cũng đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: tích hợp dịch vụ bưu chính công ích; tích hợp thanh toán trực tuyến; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp điền biểu mẫu, tờ khai điện tử bằng công nghệ e-form; hỗ trợ chữ ký số cá nhân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ. Đồng thời, tích hợp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, hải quan, thuế, góp phần khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước có nhiều tiến bộ: hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả. Năm 2022, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố đạt tỷ lệ 98%; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 98%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai cho 100% UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn với 130 điểm cầu. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố gắn với việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh. Thành phố đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố và tích hợp cập nhật, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến và số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch từ các sổ hộ tịch trên địa bàn thành phố.
* Nhằm thúc đẩy công tác CCHC trong năm 2023 và những năm tới, thành phố sẽ đề ra phương hướng thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Năm 2023, thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC. Tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ban ngành Trung ương, Thành ủy và UBND thành phố, tiếp tục triển khai Kế hoạch CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, Chương trình số 26-CTr/TU ngày 31-12-2021 của Thành ủy Cần Thơ về CCHC, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công bố, công khai TTHC đầy đủ, chính xác, đồng bộ, thống nhất, minh bạch và kịp thời, tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhân dân kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC; rà soát, đơn giản hóa TTHC.
Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về chính quyền số, CĐS. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công của thành phố đồng bộ, hiện đại, an toàn; tập trung số hóa kết quả giải quyết TTHC; tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị về kho dữ liệu của thành phố phục vụ chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị. Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, CCHC; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, với tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ; tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, trong đó thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
* Xin cảm ơn ông!
Quốc Thái
Nguồn: baocantho.com.vn