Kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương (DDCI) năm 2022 của Cần Thơ tương đối thấp, ở mức điểm trung bình 51,7 với các sở, ngành và 55 với các quận, huyện. Ðể cải thiện bộ chỉ số này, UBND TP Cần Thơ tiếp tục giao Viện Kinh tế - Xã hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án DDCI Cần Thơ năm 2023. Bộ chỉ số DDCI năm 2023 có nhiều điểm được bổ sung, sửa đổi so với năm trước để phù hợp với thực tiễn, lắng nghe nhiều hơn từ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ.
Tại hội thảo khoa học “Hoạt động lấy ý kiến phản hồi góp phần hoàn thiện mẫu phiếu điều tra, khảo sát DDCI TP Cần Thơ” vừa diễn ra, TS Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Ðể nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và mục tiêu phát triển của TP Cần Thơ đến năm 2030 đòi hỏi thành phố phải xây dựng được bộ chỉ số DDCI phù hợp. Bộ chỉ số này giúp chính quyền thành phố đo lường chính xác chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp sở, ban ngành và quận, huyện. Nếu năm 2022, Cần Thơ chỉ sử dụng 1 bộ chỉ số DDCI để đánh giá chung cho các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện thì bộ chỉ số DDCI năm 2023 tách biệt rõ rệt 2 bộ chỉ số: DDCI đối với cấp quận/huyện và DDCI đối với các sở, ban ngành thành phố. Việc tách biệt rõ rệt 2 bộ chỉ số đánh giá DDCI 2023 nhằm đánh giá chất lượng điều hành của sở, ban ngành và địa phương một cách chính xác, công bằng và khách quan”.
Theo đó, DDCI năm 2023 đánh giá sở, ban ngành gồm 12 chỉ số thành phần, trong đó nhóm nghiên cứu bổ sung thêm 3 chỉ số thành phần mới: chất lượng dịch vụ công và Bộ phận Một cửa, chính quyền điện tử và đào tạo lao động. Ðối với DDCI năm 2023 đánh giá UBND quận, huyện cũng có 12 chỉ số thành phần, trong đó bổ sung thêm 4 chỉ số thành phần mới: chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; chính quyền điện tử.
Từ nền tảng này, mẫu điều tra, khảo sát DDCI các quận, huyện được tổng hợp và phân tích dựa trên ý kiến của 398 doanh nghiệp, hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn 9 quận, huyện. Mẫu điều tra, khảo sát DDCI các sở, ban ngành thành phố đánh giá 26 sở, ban, ngành với tổng số 26 lĩnh vực quản lý, được đánh giá bởi 398 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thực hiện thủ tục hành chính hoặc sử dụng dịch vụ công tại các sở, ban ngành này.
Theo các chuyên gia, bộ chỉ số DDCI khá mới, tại ÐBSCL, TP Cần Thơ là địa phương thứ 3 triển khai thực hiện (sau An Giang và Ðồng Tháp) đo lường theo chỉ số này. Do đó, việc kế thừa và học hỏi kinh nghiệm từ những tỉnh, thành đi trước là vô cùng cần thiết. Từ thực tế triển khai bộ chỉ số DDCI tại tỉnh Quảng Ninh, bà Uông Thị Ngọc Lan, Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, minh bạch trong triển khai là yếu tố cốt lõi. Theo đó, đơn vị chủ trì thực hiện cần đảm bảo việc triển khai DDCI có sự minh bạch về việc xây dựng chỉ số, phương pháp thực hiện, phân tích đánh giá… Ngoài ra, việc công bố kết quả và cách thức tổ chức công bố DDCI cũng cần được coi trọng. Trong đó, sự tham gia của đại diện lãnh đạo cao nhất của TP Cần Thơ không chỉ thể hiện thông điệp về sự quan tâm, ủng hộ mà còn có ý nghĩa thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo chính quyền đối với các vấn đề do cộng đồng doanh nghiệp phản ánh.
Ông Ong Văn Hiền, đại diện Cục Hải quan TP Cần Thơ đề xuất tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào khảo sát nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thông qua nâng tỷ lệ khảo sát trực tuyến trên website Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, các sở, ban ngành thành phố, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ và UBND các quận, huyện lên 40%. Ngoài ra, các chỉ số thành phần trong phiếu khảo sát được xây dựng cụ thể sẽ giúp đối tượng trả lời phiếu khảo sát trả lời khách quan hơn, kết quả tổng hợp các chỉ số thành phần giúp các sở, ban, ngành và quận, huyện thấy được những điểm nổi bật, hạn chế của từng chỉ số thành phần và có biện pháp khắc phục trọng tâm, trọng điểm. Một số ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ cần nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai DDCI. Sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp là “nhiệt kế” đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh cũng như cảm nhận triển vọng kinh doanh tại thành phố ở cả hiện tại và tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội thành phố xây dựng, lựa chọn chỉ số thành phần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về nỗ lực cải thiện bộ chỉ số DDCI của đơn vị trên các phương tiện truyền thông, tạo niềm tin cho doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. Ngoài ra, Viện Kinh tế - Xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát kế hoạch, chương trình hành động để cải thiện chỉ số thành phần, chỉ tiêu đánh giá của các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện; tập trung hoàn thiện và công bố chỉ số DDCI thành phố năm 2023 theo đúng kế hoạch.
Bài, ảnh: Mỹ Thanh
Nguồn: baocantho.com.vn