Mới đây, tại hội thảo “Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số” do TP Cần Thơ tổ chức, các nhà quản lý, doanh nghiệp lĩnh vực chuyển đổi số (CÐS) đã đề xuất các giải pháp đẩy mạnh CÐS, phát triển nhân lực số phục vụ CÐS cho thành phố. Theo đó, CÐS cũng là sự dịch chuyển toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội từ môi trường thực sang môi trường số trên cơ sở đảm bảo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thời gian qua, Tập đoàn VNPT đã hỗ trợ TP Cần Thơ thí điểm xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC.
Cơ bản hoàn thiện khung pháp lý về CĐS
Ðến nay, TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về CÐS. Cụ thể là Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4-8-2021 của Thành ủy về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025; Kế hoạch của UBND TP Cần Thơ về CÐS thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cần Thơ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về CÐS cấp thành phố và của các ngành, các cấp; thành lập tổ công tác, tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện CÐS. Thành phố xác định CÐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, xác định 9 lĩnh vực ưu tiên CÐS gồm: y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, du lịch. Mục tiêu phấn đấu vào nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện CÐS tốt.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, đến nay thành phố đã có 607 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.417 thành viên để triển khai thực hiện CÐS. Trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng được đã đầu tư nâng cấp; triển khai Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) theo dõi, giám sát, đảm bảo các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kho dữ liệu dùng chung thành phố làm nền tảng quan trọng cho triển khai chính quyền số. Thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC và một số dịch vụ đô thị thông minh, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành một số lĩnh vực thiết yếu của thành phố…
Về phát triển kinh tế số, thành phố có khoảng 670 doanh nghiệp hoạt động, doanh thu nội địa trung bình hằng năm khoảng 4.785 tỉ đồng. Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS, đến nay 100% doanh nghiệp đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; nộp thuế, kê khai thuế qua mạng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ…
Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng xác định CÐS gắn với đô thị thông minh, trên cơ sở đó khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh cũng đã cơ bản hình thành. Cụ thể như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy “Về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025”; UBND thành phố đã phê duyệt Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định 10 lĩnh vực ưu tiên triển khai thực hiện.
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh CĐS
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: CÐS là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. CÐS cũng là sự dịch chuyển toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội từ môi trường thực sang môi trường số trên cơ sở đảm bảo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Chính quyền số tăng hiệu quả quản lý và tính minh bạch; kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. TP Cần Thơ xác định CÐS gắn với đô thị thông minh. Ðể thực hiện thành công CÐS gắn với đô thị thông minh, thành phố mong muốn quy tụ nhiều nguồn lực từ các ngành, các lĩnh vực.
Các tập đoàn, doanh nghiệp lĩnh vực CĐS đề xuất các giải pháp đẩy mạnh CĐS cho TP Cần Thơ.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp lĩnh vực CÐS đã đề xuất nhiều giải pháp để TP Cần Thơ đẩy mạnh CÐS. Tập đoàn Viettel đề xuất xây dựng khung quản trị dữ liệu cho Smart City. Ðể vận hành hiệu quả, một hệ thống đô thị thông minh cần thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn như năng lượng, đô thị, giao thông, thời tiết… Tuy nhiên, dữ liệu không đồng nhất giữa các ngành khác nhau do được lấy từ nhiều nguồn dữ liệu; ngoài ra khả năng rò rỉ thông tin cao bởi kiến trúc dữ liệu và các luồng đồng bộ dữ liệu phức tạp, rủi ro bị rò rỉ thông tin cao nếu không có khả năng quản trị cũng như bảo mật tốt. Trong lãnh vực Smart City tại Việt Nam cũng gặp các thách thức liên quan đến xử lý dữ liệu siêu lớn từ nhiều nguồn cũng như an toàn dữ liệu. Vì vậy, khung quản lý dữ liệu Viettel (Viettel Data Management Framework) được xây dựng bao phủ tất cả các khía cạnh trong vòng đời dữ liệu; nội dung bao gồm 11 lĩnh vực tri thức, mỗi lĩnh vực được chi tiết hóa thành các hoạt động cụ thể. Thực thi các chính sách và thủ tục bảo mật để xác thực, phân quyền, truy cập, kiểm tra dữ liệu và tài sản thông tin.
TS Vũ Thành Nam, kiến trúc sư giải pháp, Tập đoàn CMC đề xuất giải pháp hạ tầng cho Trung tâm IOC của TP Cần Thơ. Ðô thị thông minh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng sống, khả năng làm việc và đảm bảo phát triển bền vững. Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC là một hệ thống công nghệ thông tin có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị và lãnh đạo.
Là bộ não thông minh của một thành phố, IOC cần thực hiện trách nhiệm trung tâm ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy. Hạ tầng IOC - hạ tầng số: công nghệ nền tảng tạo khả năng vận hành môi trường số của tổ chức, doanh nghiệp số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, điện thoại thông minh, nền tảng điện toán đám mây, nền tảng danh tính số và các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ. Gồm cơ sở hạ tầng vật lý - trung tâm dữ liệu: cơ sở vật chất, thiết bị tính toán, mạng và truyền thông; nền tảng điện toán đám mây; hạ tầng dữ liệu: tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, phân tích, khai thác.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, các chuyên gia, tổ chức còn đề xuất phát triển nhân lực cho CÐS. Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cho biết, về phát triển nguồn nhân lực CÐS trong cơ quan nhà nước, TP Cần Thơ có 3.433 công chức; 90% cơ quan cấp thành phố và cấp huyện có công chức chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Ðã tổ chức 17 lớp đào tạo, tập huấn về nâng cao nhận thức CÐS, phát triển chính quyền số, an toàn thông tin mạng, quản lý và chia sẻ dữ liệu; 23 cuộc hội thảo, hội nghị về CÐS trên các lĩnh vực. TP Cần Thơ có 6 trường đại học, trong đó 5 trường có đào tạo công nghệ thông tin, viễn thông từ đại học trở lên (Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Ðại học Tây Ðô, Trường Ðại học Kỹ thuật Công nghệ, Trường Ðại học Nam Cần Thơ và Trường Ðại học FPT).
Về phát triển nguồn nhân lực CÐS trong doanh nghiệp, thành phố có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ giai đoạn 2021-2030; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Hiện Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Ðại học Cần Thơ) có chương trình đào tạo tại trường gồm: 9 chương trình Kỹ sư về: khoa học máy tính, an toàn thông tin, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, công nghệ thông tin, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, truyền thông đa phương tiện, công nghệ thông tin chất lượng cao, kỹ thuật phần mềm chất lượng cao. Lãnh đạo nhà trường kiến nghị TP Cần Thơ cần có chính sách tăng cường sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học trong các dự án CÐS của thành phố ngay từ lúc mới hình thành để tăng tính bền vững cho các dự án. Ngoài ra, Cần Thơ cần xây dựng những chương trình nghiên cứu khoa học về CÐS với tầm nhìn dài hạn để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới cốt lõi thúc đẩy công cuộc CÐS của thành phố.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Nguồn: baocantho.com.vn