Để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa hồng vừa chuyên

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ - Cần cái nhìn sâu sắc

Bài cuối: Để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa hồng vừa chuyên 

Cần Thơ đã đặt được “nền móng” đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, để “nền móng” này ngày càng vững chắc thì những vướng mắc về công tác tinh giản biên chế, đánh giá, quy hoạch, đào tạo cán bộ và thu hút nguồn nhân lực thật sự có chất lượng cần được thành phố nhìn nhận một cách thấu đáo và đưa ra giải pháp thật cụ thể. Có như vậy, đội ngũ CBCCVC của thành phố sẽ thật sự vừa “hồng”, vừa “chuyên” để, đưa thành phố phát triển, xứng đáng là trung tâm động lực vùng ĐBSCL.  

Đánh giá cán bộ cần đi vào thực chất

Lãnh đạo thành phố thường xuyên đến làm việc nắm tình hình, chỉ đạo tại các sở, ngành, quận, huyên. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh, làm việc tại Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố. Ảnh: S.H

Đảng ta đã chỉ rõ, phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, có như vậy mới bố trí và sử dụng đúng, mới tránh được những thiếu sót sai lầm… Đánh giá cán bộ đúng thực chất là tiền đề cho tất cả các khâu trong công tác cán bộ. 

Ở huyện Vĩnh Thạnh, bên cạnh các tiêu chí đánh giá CBCCVC chung theo quy định, phong trào “tự soi, tự sửa” gắn với ghi “Nhật ký làm theo Bác” hằng tháng, buộc CBCCVC phải nhìn nhận lại các hoạt động của mình và có sự đánh giá tương đối toàn diện của tập thể. Hiện nay, để phong trào này phát huy hơn nữa, Huyện ủy tiếp tục triển khai phong trào nêu gương “Nói đi đôi với làm”. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Trần Văn Tám cho biết: “Việc phát động các phong trào này nhằm phát huy đầy đủ vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chương trình hành động và việc làm cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Những điều này rất cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở trong việc đánh giá cán bộ”.

Công tác đánh giá cán bộ tại UBND phường Thới Hòa, quận Ô Môn được thực hiện theo hình thức đánh giá chéo lẫn nhau, trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn. Đồng chí Hoàng Văn Đôn, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “UBND phường đa số đều là CBCCVC trẻ, dưới 35 tuổi chiếm trên 65%. Đây cũng là thuận lợi khi chúng tôi phân công trong từng bộ phận phải có sự theo dõi, nắm công việc của nhau để cùng hỗ trợ. Do đó, khi đánh giá CBCCVC, anh em nắm rất sát và nhận xét thẳng thắn”. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, người đứng đầu phải công tâm, khách quan, gương mẫu trên các lĩnh vực thì khi đó, việc góp ý và đánh giá cán bộ sẽ thẳng thắn, đúng thực chất.

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, đề xuất cần có Bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, từ đó cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng xác định cụ thể công việc; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải yêu cầu CBCCVC xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ chính theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, đó là cơ sở quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt, ngoài tiêu chí chung, cần căn cứ vào sự hài lòng của người dân thông qua quá trình thực hiện chính sách trên địa bàn...

Trong báo cáo kết quả giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, công chức trên địa bàn thành phố của Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng đề nghị các đơn vị, địa phương xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác đánh giá, xếp loại công chức, viên chức...

Chăm bồi cán bộ phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tại buổi giám sát về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức trên địa bàn thành phố của Ban Pháp chế HĐND thành phố, Đại tá Trần Văn Dương, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, thành viên đoàn giám sát, đề nghị việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần chuyên sâu, gắn với nhu cầu thực tiễn của ngành, lĩnh vực. Thời gian qua, việc đào tạo, bồi dưỡng còn chung chung nên sau khi đào tạo về, cán bộ không vận dụng được bao nhiêu vào công việc. Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố cho rằng cần xem xét về nội dung đào tạo, bồi dưỡng và xem người học làm việc ở đâu, cần gì để đào tạo, bồi dưỡng, có như vậy người học mới có thể vận dụng vào công việc một cách tốt nhất.

Đồng chí Lê Văn Điện, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố, cho biết: “Để việc dạy và học chính trị đạt hiệu quả, đòi hỏi giảng viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên; phải thường xuyên cập nhật các kiến thức thực tiễn. Bên cạnh đó, học viên phải xác định đúng mục đích học tập, để tập trung học đạt hiệu quả. Ngoài ra, các đơn vị đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng cần gắn với nhu cầu vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả công tác sau khi được đào tạo, bồi dưỡng…”.

Việc thực thi nhiệm vụ của CBCCVC gắn liền với thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy Thị trấn Thới Lai Hồ Hồng Sương, việc học nghị quyết không đến nơi, đến chốn là nguyên nhân dẫn đến việc nói, viết không đúng và nói, viết, làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… tất cả những việc này là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, Đảng ủy Thị trấn thường xuyên nhắc nhở và ra văn bản chấn chỉnh để tạo sự thống nhất về ý chí hành động trong Đảng, giúp cán bộ, đảng viên phát huy và giữ vai trò tiên phong, gương mẫu trước nhân dân, có ý thức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng thì vấn đề thu hút nguồn nhân lực thành phố cần nhanh chóng có nghị quyết mới thay thế nghị quyết về chính sách thu hút, hỗ trợ khuyến khích nguồn nhân lực của TP Cần Thơ, đã hết hiệu lực. Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Trong đó, yêu cầu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn, vị trí việc làm và nguồn cán bộ quy hoạch... nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố. 

Việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch hoặc bổ nhiệm cán bộ là khâu rất quan trọng, trọng trách thuộc về người làm công tác cán bộ rất lớn. Theo đồng chí Phạm Văn Thành, Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phong Điền, để lựa chọn cán bộ, trước tiên phải rà soát đội ngũ cán bộ để tìm ra người đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, vị trí việc làm, rồi nắm thêm ở cơ sở về cán bộ đó. Phải có thời gian theo dõi quá trình phấn đấu mới đánh giá đúng thực chất năng lực của cán bộ… 

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho rằng để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ phải chủ động phát hiện cán bộ có năng lực lãnh đạo, quản lý, được đào tạo bài bản và qua các môi trường công tác khác nhau. Khi quy hoạch không nhất thiết phải đầy đủ các tiêu chuẩn. Việc đưa vào quy hoạch để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, khi chín muồi, sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, bản thân cán bộ được quy hoạch cũng phải phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện, để tạo được uy tín. Đối với những người nằm trong quy hoạch mà không dám làm gì, chỉ để giữ mình, cơ quan đưa ra gì cũng nhất trí cao để “được phiếu” thì những người đó cần đưa ra khỏi quy hoạch, vì bầu nhiệt huyết, ý chí phấn đấu không phải vì quốc gia dân tộc. Cán bộ được quy hoạch cứ yên tâm phấn đấu, tập thể sẽ thấy, quá trình công tác thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, uy tín của mình. Chức vụ là quan trọng, là điều kiện để phát huy khả năng của mình, nhưng sức mạnh khẳng định chức vụ đó là trình độ, trí tuệ, dũng khí ở mỗi cá nhân. Do đó, làm công tác cán bộ phải nhìn ra người có tâm, có tầm…

Hiện nay, khi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, chúng ta làm theo quy trình 5 bước rất chặt chẽ. Tuy nhiên, điều băn khoăn là làm sao nhìn ra người có “tâm”, có “tầm” khi các tiêu chí đưa ra chủ yếu là định tính, chưa mang tính định lượng? Thêm vào đó là ý chí chủ quan “nhìn người” của người làm công tác cán bộ. Do đó, trước tiên để đánh giá đúng cán bộ cần nhìn nhận kết quả tổng quan cả quá trình làm việc của cán bộ, hơn là nhìn vào “vẻ đẹp bằng cấp”. Bên cạnh đó, việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý thời gian qua cũng được một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố áp dụng, cũng góp phần nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ lãnh đạo. Đồng thời, khuyến khích tinh thần tự giác phấn đấu, rèn của đội ngũ CBCCVC.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho biết: “Trong công tác cán bộ, Thành ủy luôn chú trọng về “kiểm soát quyền lực”, “chống chạy chức, chạy quyền”, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ và đánh giá cán bộ một cách thực chất vì thực hiện tốt được những việc này thì nguồn cán bộ sẽ tốt và các vị trí được sắp xếp, quy hoạch, bổ nhiệm… sẽ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, giúp thành phố hoàn thành các nhiệm vụ được Trung ương giao và ngày càng phát triển”.

 

Sơn Hà

Nguồn: baocantho.com.vn