Chủ tịch Cần Thơ: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Chủ tịch Cần Thơ: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

(PLO)- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, số công việc giao cho sở ngành có tỉ lệ tồn đọng khá cao, công tác phối hợp còn chậm, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Ngày 6-6, UBND TP Cần Thơ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5 bằng hình thức trực tuyến với các quận, huyện để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của TP tháng 5 và năm tháng đầu năm.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ tháng 5 ngày 6-6. Ảnh: NHẪN NAM

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ tháng 5 ngày 6-6. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đánh giá, năm tháng qua dù còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế xã hội có sự chuyển biến tích cực, phục hồi khá nhanh, mạnh so với năm 2021.

Ông Trường điểm lại những kết quả nổi bật như thu ngân sách đạt 42,33% dự toán trung ương và TP giao; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; thị trường tiêu thụ được khơi thông… TP đón hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch, đạt 67,9% kế hoạch, tăng hơn 48% so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng hơn 14%.

“Theo thông báo sơ bộ, tốc độ tăng trưởng GRDP sáu tháng đầu năm 2022 của TP ước đạt 8,04%, đứng thứ 2/5 TP thuộc trung ương và thứ 2/13 tỉnh ĐBSCL. Đây là mức tăng trưởng khá cao, vượt xa so với cùng kỳ năm 2021” – ông Trường cho hay.

Cũng theo ông Trường, cạnh đó còn nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, số công việc giao cho sở ngành có tỉ lệ tồn đọng khá cao, tỉ lệ giải quyết công việc trễ hạn vẫn còn, công tác phối hợp còn rất chậm, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm…

Ông Trường dẫn lại các chỉ số của TP (năm 2021) đều giảm như chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) xếp 42/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nhà nước (SIPAS) – 2021, xếp 48/63 tỉnh thành; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp 51/63 tỉnh thành.

Theo ông Trường, các chỉ số này thể hiện sự phối hợp giải quyết công việc của các sở ngành; tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức đối việc tham mưu giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các chỉ số này đánh giá chất lượng và trình độ năng lực của độ ngũ cán bộ công chức.

Từ đó, ông Trường đề nghị các ngành các cấp, nhất là người đứng đầu cần bám sát tình hình, thẳng thắn nhận diện kịp thời và có giải pháp phù hợp hiệu quả, không né tránh.

Chủ tịch Cần Thơ: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm ảnh 2

Cuộc họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ tháng 5 diễn ra ngày 6-6. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Trường đề nghị trong tháng 6 và thời gian tới, “yêu cầu các giám đốc, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành va chủ tịch UBND quận huyện chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó quan tâm, chủ động trong công việc”.

Trong đó, người đứng đầu UBND TP đề nghị cần tiếp tục công tác phòng chống dịch, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả…

Các sở ngành, UBND các cấp, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội theo các chỉ đạo của trung ương và địa phương; thực hiện các nghị quyết về phát triển TP.

Các cơ quan được phân công chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp HĐND giữa năm 2022, bảo đảm đúng tiến độ thời gian, chất lượng. Cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công…

Năm 2022 sẽ có 8 khu đất đưa ra đấu giá

Tại cuộc họp, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công thương cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 12,86%. Những mảng phục hồi mạnh mẽ như Công ty Taekwang (sản xuất giày) tiếp tục tuyển thêm lao động, tạo ra gần 13 triệu USD/tháng, 13.000 lao động, mỗi lao động thu nhập 8-9 triệu đồng. Công ty này sẽ mở rộng 10.000 công nhân nữa.

Cạnh đó, Công ty May Việt Thành từ gần 500 công nhân tăng lên 700 công nhân, có đơn hàng đến hết tháng 11/2022, năm rồi xuất khẩu đạt 20 triệu USD, năm nay phấn đấu xuất khẩu 22 triệu USD… Xuất khẩu của TP đạt 56%, đạt 1,2 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết cũng còn một số khó khăn như có công ty xuất hàng sang Nga bị ảnh hưởng, hàng xuất đi rồi nhưng không lấy được tiền. Ngoài ra, một khó khăn chung cho nhiều công ty như Phạm Nghĩa, HTX Thuận Hưng là cần diện tích đất từ 2-4 ha để mở rộng sản xuất nhưng bị vướng vì chưa được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Ông Sơn mong lãnh đạo TP, Sở TN&MT, các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thanh Thảo – Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đối với công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm của TP, đến thời điểm này, Sở đã thực hiện các bước… Dự kiến tháng 6 này trình Bộ TN&MT thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm này. Theo ông Thảo, theo tiến độ thì việc này là chậm.

Ông Thảo mong các địa phương quan tâm vấn đề này, rà soát kỹ, vì là kế hoạch 5 năm mà không đưa vào thì sau này rất khó điều chỉnh, vì là Thủ tướng phê duyệt nên muốn điều chỉnh cũng phải xin Thủ tướng.

Về khai thác quỹ đất, ông Thảo cho biết trong năm 2022, TP sẽ có 8 khu đất đưa ra đấu giá. Các khu này đã rà soát pháp lý và làm hồ sơ đầy đủ.

NHẪN NAM

Nguồn: plo.vn