Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2022 và ký kết giao ước thi đua năm 2023 của Cụm Thi đua số 1 - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa qua, ngành TT&TT các thành phố trực thuộc Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số (CĐS), xây dựng đô thị thông minh. Qua đó tạo điều kiện cho các thành phố lớn đẩy mạnh thực hiện CĐS, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kinh nghiệm xây dựng dữ liệu dùng chung

Ngành thông tin và truyền thông các thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.

Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ kinh nghiệm về Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố, nhằm phục vụ xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, CĐS thành phố. Xây dựng Chiến lược quản trị dữ liệu TP Hồ Chí Minh nhằm tạo lập các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin nền tảng; số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa. Ngoài ra, thúc đẩy chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu. Cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, phát triển kinh tế dữ liệu… Chiến lược quản trị dữ liệu được xây dựng dựa trên bài học thành công quốc tế, phù hợp với chính sách của Chính phủ và gắn với mục tiêu phát triển của thành phố; dữ liệu được “nuôi sống” bằng hệ thống thông tin chuyên ngành; các kho và trung tâm dữ liệu chủ (master data hubs) và các tiêu chuẩn dữ liệu con người, doanh nghiệp; dữ liệu được chia sẻ tới người sử dụng theo quy chế chia sẻ dữ liệu cho càng nhiều người dùng, dữ liệu càng phát huy được hiệu quả… Một số chỉ tiêu của thành phố đến năm 2025 như 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn thành phố. Hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu về thu - chi ngân sách, giải ngân đầu tư công. Các sở, TP Thủ Đức và các quận, huyện mỗi năm có ít nhất một sáng kiến sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định; 100% cơ sở dữ liệu được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu thành phố, được đảm bảo an toàn thông tin theo quy định.

Mô hình dữ liệu của TP Hồ Chí Minh (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố) gồm kho dữ liệu dùng chung thành phố: dữ liệu chủ về người dân, dữ liệu chủ về tài chính - doanh nghiệp, dữ liệu chủ đề đất đai - đô thị. Trong đó, nhóm dữ liệu về người dân như dữ liệu hành chính, dữ liệu hộ tịch, dữ liệu y tế, dữ liệu giáo dục, dữ liệu an sinh. Nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp: dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, dữ liệu quản lý đầu tư công, dữ liệu doanh nghiệp - hộ kinh doanh cá thể. Nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị: dữ liệu đất đai và dữ liệu nền thông tin địa lý, dữ liệu ngành xây dựng, dữ liệu giao thông, dữ liệu quy hoạch - kiến trúc.

Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sở tham mưu cho UBND thành phố xây dựng dữ liệu chia sẻ giữa các sở, ngành để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp; tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: dữ liệu về người dân, tài chính - doanh nghiệp, đất đai - đô thị. Đối với nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách, quy chế, hướng dẫn thì Sở TT&TT là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo thực hiện; các nhóm nhiệm vụ còn lại thì Sở TT&TT tham mưu UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành khác tổ chức thực hiện. Sở TT&TT cũng chủ trì hướng dẫn các đơn vị triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố; đảm bảo hạ tầng, an toàn thông tin của các hệ thống tại Trung tâm dữ liệu thành phố; nghiên cứu giải pháp, cơ chế hình thành Trung tâm CĐS thành phố…

Kết quả CĐS tích cực ở một số thành phố lớn

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chính quyền số, công dân số, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, cho biết: Những kết quả đạt được của các thành phố trực thuộc Trung ương cần được chia sẻ, góp phần để ngành TT&TT thực hiện hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo địa phương giao, cũng như thực hiện vai trò đầu tàu phát triển vùng của các thành phố lớn. TP Đà Nẵng đang thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo CĐS, là cơ quan tạo thêm nguồn lực CĐS. Sản phẩm CĐS tích hợp nhiều công nghệ, nhưng rõ ràng về quản lý nhà nước được phân công theo ngành và lĩnh vực, nên triển khai còn một số khó khăn; thứ hai là khó khăn về nguồn nhân lực cho CĐS. Do đó, Chính phủ, Bộ TT&TT cần có sự hỗ trợ cho các địa phương trong CĐS.

TP Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả chính CĐS trong năm 2022. Cụ thể với một số nền tảng, ứng dụng chính quyền số tiêu biểu như 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc). Ngoài dịch vụ hành chính công, Đà Nẵng bắt đầu đưa dịch vụ ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên cổng dịch vụ công thành phố. Hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và đưa vào khai thác 3 dịch vụ trong cung cấp dịch vụ công...

Khung CĐS của TP Đà Nẵng gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu về chính quyền số đến năm 2025: tỷ lệ dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức 3, 4 đạt 60%; tỷ lệ dịch vụ cấp đổi, cấp lại được thực hiện ngay trong ngày đạt 100%; tỷ lệ thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số 20%; người dân trưởng thành có 1 định danh, xác thực điện tử và có kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống của thành phố để giao dịch, sử dụng dịch vụ công và tiện ích của thành phố đạt 100%... Về công dân số, đến năm 2025 người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 100%; tỷ lệ dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến đạt 50%; mỗi người dân, doanh nghiệp tra cứu được thông tin đất đai, quỹ đất trống, quỹ đất kêu gọi đầu tư qua mạng; mỗi người dân có mã (ID) y tế duy nhất và có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; mỗi người dân có thể sử dụng dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; mỗi học sinh có mã (ID) duy nhất và có hồ sơ, học bạ điện tử…

Tại TP Cần Thơ, đến cuối năm 2022 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại tất cả các ấp, khu vực trên toàn địa bàn thành phố. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CĐS; các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch từng bước phát triển; một số lĩnh vực ưu tiên CĐS được các sở, ngành quan tâm nhiều hơn… Về phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông được chú trọng đầu tư và phát triển, thuê bao Internet đạt tỷ lệ 98%, có 62% hộ gia đình có kết nối mạng cáp quang, trên 73% người dân trưởng thành có thiết bị di động thông minh và 90% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng TP Cần Thơ, Trung tâm Dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì ổn định, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố… Cần Thơ còn xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kho dữ liệu dùng chung thành phố làm nền tảng quan trọng cho triển khai chính quyền số; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức là 82%. Nền tảng quy hoạch không gian thành phố (SPP) đã hoàn thành hạng mục công việc chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền GIS của 24 lớp dữ liệu. Về số hóa các dịch vụ công thiết yếu (25 dịch vụ thiết yếu thì có 9 dịch vụ công thuộc phạm vi tiếp nhận của thành phố), đã tích hợp được 9/9 dịch vụ công thiết yếu… Hiện nay, các sở, ngành và địa phương thành phố đang tập trung số hóa dữ liệu, cập nhật rà soát dữ liệu, phát triển dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy CĐS trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh:  ANH KHOA

Nguồn: baocantho.com.vn