Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND thành phố vừa giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND thành phố về phát triển thanh niên (TN) thành phố giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết 74) trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy các sở, ngành, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn có nhiều nỗ lực trong triển khai, thực hiện các chính sách theo nội dung Nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, việc đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình công cộng phục vụ TN còn chậm; chưa có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để bố trí làm việc tại thành phố…
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại buổi giám sát.
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 74, các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của TN. Theo ông Lê Hùng Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, thành phố có 83 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; 630 nhà văn hóa ấp, khu vực; 2 nhà văn hóa thiếu nhi; 3 trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi... Nhìn chung, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt, giải trí của thanh thiếu niên thành phố. Ngoài ra, thành phố còn có 3 sân vận động có khán đài, 7 sân vận động không có khán đài, 17 sân bóng đá, 146 sân bóng đá mini, 196 sân bóng chuyền, 235 sân cầu lông, 151 sân đá cầu, 55 sân bóng rổ, 39 sân quần vợt, 60 hồ bơi, 78 bàn bóng bàn, 17 sân điền kinh, 716 bàn bida và 57 nhà tập và thi đấu đa môn, đơn môn; 150 máy tập thể dục thể thao lắp đặt ở công cộng, góp phần phục vụ TN và người dân trên địa bàn thành phố. Ngân sách thành phố đã chi 530 triệu đồng khen thưởng TN là học sinh, sinh viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi học thuật...
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND thành phố, cho biết: “Việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án tuyển chọn cán bộ nguồn từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để bố trí làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố còn rất hạn chế. Trong khi đó, Cần Thơ có rất nhiều trường đại học, hằng năm đào tạo nhiều sinh viên có thành tích xuất sắc, nhưng không giữ lại được để phục vụ thành phố. Tôi đề nghị Sở Nội vụ sớm tham mưu UBND thành phố có chính sách thu, tuyển chọn, bố trí, sử dụng nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại thành phố”. Cũng theo bà Lư Thị Ngọc Anh, việc xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ TN TP Cần Thơ sáng tạo, khởi nghiệp đến nay vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Vẫn còn nhiều khó khăn khi đoàn viên, TN tiếp cận nguồn Quỹ để khởi nghiệp.
Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cũng cho rằng một số nhiệm vụ, chương trình, đề án về phát triển TN được giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện chậm, chưa đúng tiến độ đề ra. Cụ thể, việc xây dựng chương trình, đề án nâng cao công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục cho TN là học sinh, sinh viên ở các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và xây dựng đề án tư vấn, hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, bệnh nghề nghiệp cho TN là học sinh, sinh viên, TN dân tộc thiểu số, TN ở nông thôn, TN là công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa thực hiện. Bà Đỗ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND thành phố, nói: “Công tác chăm sóc sức khỏe cho TN đã thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ TN là nam giới trên địa bàn thành phố bị nhiễm HIV còn nhiều, rất đáng lo ngại”.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, công trình công cộng phục vụ TN vẫn chưa được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhiều địa phương còn thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có trung tâm văn hóa - thể thao. Tuy nhiên, huyện chưa có nhà sinh hoạt cho thanh thiếu niên. Tôi đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ để huyện sớm có nhà sinh hoạt cho thanh thiếu niên”. Nhiều đại biểu trong đoàn giám sát cũng cho rằng công tác phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ; một số sở, ngành và địa phương chưa quyết liệt, chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN; thiếu kiểm tra, đôn đốc bộ phận tham mưu triển khai thực hiện theo phân cấp quản lý nhà nước về TN...
Kết thúc buổi giám sát, đoàn giám sát đề nghị Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan phối hợp tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện hoàn thành các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển TN theo tinh thần của Nghị quyết 74. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của TN; có kế hoạch đầu tư nhà sinh hoạt thanh thiếu niên tại các quận, huyện; có chính sách thu, tuyển chọn, bố trí, sử dụng nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, TN tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ TN TP Cần Thơ sáng tạo, khởi nghiệp; quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho TN...
Bài, ảnh: T.T