Xây dựng niềm tin số, hòa nhịp chuyển đổi số

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy: Xây dựng niềm tin số, hòa nhịp chuyển đổi số

Thời gian qua, quận Bình Thủy triển khai chuyển đổi số (CÐS) đồng bộ trên nhiều lĩnh vực và đạt những kết quả rất khả quan. Chia sẻ về quá trình hòa nhịp vào xu thế CÐS của thành phố, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết:

https://baocantho.com.vn/imagetsdt/tsdt/2023/20230807/images/0B06EF5E-EB2C-4226-958A-E6FE0BCDD3D6.jpeg- Trên cơ sở kế hoạch CÐS TP Cần Thơ năm 2023, UBND quận đã xây dựng, triển khai và ban hành kế hoạch về CÐS của quận năm 2023. Ðồng thời chỉ đạo UBND 8 phường trên địa bàn quận xây dựng và triển khai kế hoạch CÐS năm. UBND quận đã ban hành Chương trình truyền thông số 02/CTr-UBND ngày 27-4-2023, về việc truyền thông, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Cần Thơ Smart, tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thúc đẩy CÐS trong nhân dân trên địa bàn quận năm 2023. Ðây cũng là một trong hai nội dung trọng tâm đăng ký thực hiện CÐS năm 2023 của quận Bình Thủy. Tính đến ngày 23-7, có 46.780 hộ dân được truyền thông qua Chương trình truyền thông số 02/CTr-UBND. Thực hiện “Ðề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” (Ðề án 06), quận đã có Kế hoạch 97/KH-UBND ngày 16-6-2023, về thực hiện cao điểm “50 ngày, đêm” cấp tài khoản định danh điện tử. Từ ngày 15-6-2023 đến ngày 5-8-2023 (51 ngày), toàn quận đã thu nhận 47.059 hồ sơ, đạt 90,97%. Ðồng thời, đã kích hoạt 68.350 tài khoản định danh điện tử, đạt 86,79% so với chỉ tiêu.

* Xin ông cho biết thêm về những kết quả đạt được của quận trong ứng dụng CÐS vào cải cách hành chính, phục vụ điều hành và hỗ trợ người dân?

- Trong 6 tháng đầu năm, quận triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính tỷ lệ hồ sơ đã được số hóa đạt 57,99%, thực hiện ở 26 loại kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được thành phố cấu hình trên hệ thống kho dữ liệu số hóa (cấp quận 14 loại kết quả, cấp phường 12 loại kết quả). Quận thực hiện báo cáo định kỳ trên hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định. Ðăng tải, chia sẻ dữ liệu lĩnh vực tài nguyên môi trường về kế hoạch sử dụng đất được UBND TP Cần Thơ phê duyệt và danh sách hộ gia đình, cá nhân đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất năm 2023... Các đơn vị thuộc quận trao đổi công việc qua hộp thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành với tỷ lệ văn bản điện tử cấp quận đạt trên 97,9%, cấp phường 95,48%... Có 19/19 đơn vị trực thuộc quận thực hiện ký số trực tuyến khi ban hành văn bản, luân chuyển văn bản theo từng cấp.

Qua triển khai dịch vụ công trực tuyến từ cấp quận đến phường, tính đến 30-5-2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết bằng hình thức trực tuyến một phần (mức độ 3) thuộc thẩm quyền của UBND quận đạt 62,72% ở 214 thủ tục; trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đạt tỷ lệ 97,43% ở 8 thủ tục. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến (mức độ 3 và 4) đạt trên 81%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến bình quân các phường đạt từ 97% trở lên; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn quận đạt 90,13%. Qua triển khai thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có thu phí, trên địa bàn quận hiện có 23 thủ tục phát sinh hồ sơ (kể cả trực tuyến và trực tiếp).

* Ðối với yêu cầu xây dựng xã hội số, quận đã đạt được những kết quả nổi bật gì thưa ông?

- Hiện nay, hạ tầng internet băng rộng trên địa bàn quận được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư rộng khắp với 254 trạm BTS đang hoạt động, đảm bảo phủ sóng liên tục không gián đoạn, thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Tính đến tháng 3-2023 trên địa bàn quận có 38.442 thuê bao internet tăng 7.000 thuê bao so với số liệu thống kê năm 2021. 46/46 nhà văn hóa các khu vực đều có lắp đặt wifi.

Về y tế thông minh, quận đã xây dựng và ứng dụng các phần mềm quản lý khám chữa bệnh; triển khai sử dụng phần mềm quản lý tại 8/8 trạm y tế phường đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế. Ðồng thời, quận đang hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử cho 118.286/149.647 người dân chiếm tỷ lệ 79,04%; dự kiến đến hết quý III-2023 sẽ đồng bộ dữ liệu từ Ðề án 06 sang để lập hồ sơ điện tử cho người dân. Về giáo dục thông minh, 30/30 điểm trường trên địa bàn đã hoàn tất chuẩn bị trang thiết bị, nền tảng ứng dụng, hướng dẫn phụ huynh thu học phí không dùng tiền mặt, tỷ lệ thanh toán học phí không dùng tiền mặt năm học 2022-2023 đạt 30%. Về phát triển kinh tế số, có trên 21,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đáp ứng tốt về CÐS, 100% cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. UBND quận đã chỉ đạo và triển khai xây dựng 4.0 không dùng tiền mặt tại các chợ An Thới, chợ Bình Thủy, chợ Trà An và chợ Sang Trắng.

* Thời gian tới quận Bình Thủy sẽ làm gì để tiếp tục đẩy mạnh CÐS trên địa bàn, thưa ông?

- Quận sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CÐS theo kế hoạch, chỉ đạo của thành phố và những nhiệm vụ giải pháp quận đã đề ra. Cụ thể là tiếp tục tập huấn kỹ năng tuyên truyền CÐS đến các tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ, vận động người dân tham gia CÐS. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ kết quả giải quyết hành chính còn hiệu lực theo Nghị định số 47/2020/NÐ-CP của Chính phủ. Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến nhằm duy trì tỷ lệ đã đạt được và đạt chỉ tiêu được giao. Ðẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế số đi liền với thương mại điện tử, chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục và y tế thông minh hoàn thiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội và triển khai những chương trình dự án được sở, ngành thành phố hướng dẫn thực hiện.

Trung tâm điều hành thông minh quận Bình Thủy đi vào vận hành thử nghiệm từ tháng 6-2023.

Quận cũng tiếp tục thử nghiệm sử dụng các dịch vụ CÐS do các đơn vị viễn thông cung cấp để lựa chọn giải pháp phù hợp nhu cầu CÐS của địa phương… Tiếp tục phối hợp với VNPT Cần Thơ hoàn chỉnh các nguồn dữ liệu, vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) quận Bình Thủy. Rà soát, đánh giá hiện trạng trang thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông trong các cơ quan nhà nước để đầu tư trang bị nhằm đáp ứng nhu cầu CÐS. Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các phường kết hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông và Quận đoàn tổ chức truyền thông, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Cần Thơ Smart, tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Ðặc biệt là phát huy vai trò đội ngũ cán bộ công chức của địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng và cán bộ đoàn viên, hội viên các cấp để truyền thông nâng cao nhận thức CÐS, xây dựng niềm tin số để người dân, doanh nghiệp cùng tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình CÐS của quận nói riêng và thành phố nói chung.

* Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn: baocantho.com.vn