Thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch CCHC năm 2014

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CCHC trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện công tác CCHC năm 2014, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. 100% văn bản quy phạm pháp luật do UBND thành phố ban hành đúng thể thức, trình tự, thẩm quyền, không trái với văn bản cấp trên và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

2. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) còn chồng chéo, khó thực hiện để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong quá trình thực hiện TTHC;

3. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) các cấp, đặc biệt là đội ngũ CBCC cấp xã, đảm bảo đến cuối năm 2014, 95% công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 30% công chức cấp xã có trình độ đại học; tăng cường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại thành phố Cần Thơ nhằm phục vụ cho sự phát triển của thành phố;

4. Tiếp tục tập trung hoàn thiện phần mềm một cửa các cấp; tập trung triển khai hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo sự liên thông thông suốt giữa các ngành, các cấp trong thực hiện TTHC;

5. Năm 2014, từ 60% các văn bản chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan hành chính các cấp được thực hiện trên môi trường mạng; mỗi sở, ngành có ít nhất 05 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên và mỗi quận, huyện chọn ít nhất 03 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực chọn ít nhất 01 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên;

6. Tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất tối thiểu 60% sở, ban ngành, 100% UBND cấp huyện, 30% UBND cấp xã; các ngành, các cấp phải tự kiểm tra công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật và kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước.

II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CCHC NĂM 2014

1. Cải cách thể chế:

a) Thực hiện đúng các quy định về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của văn bản, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước;

b) Sở, ban ngành thành phố đi sâu vào chức năng tham mưu xây dựng thể chế và kiểm tra thực hiện thể chế; giảm dần việc trực tiếp thực hiện cụ thể các công việc; chủ động kiến nghị UBND thành phố phân cấp mạnh hơn cho sở, ban ngành, quận, huyện phù hợp với từng cơ quan, đơn vị để các cơ quan này có đủ thẩm quyền và điều kiện thực hiện phân cấp;

c) Nghiên cứu, khảo sát xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố nhất là những chính sách thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ, du lịch;

d) Xây dựng thể chế về vị trí việc làm, đảm bảo việc thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

2. Cải cách TTHC:

a) Thường xuyên rà soát các quy định, TTHC để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nhằm cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của người dân và doanh nghiệp; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực còn nhiều dư luận, nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, phức tạp như: đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm...; 

b) Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các TTHC đã được công bố; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới TTHC, nâng cao chất lượng quy định TTHC theo hướng ban hành các quy định, TTHC phải đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện; kịp thời công bố, cập nhật khi có điều chỉnh, bổ sung;

c) Đảm bảo thực hiện tốt Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ về việc kiểm soát TTHC và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về kiểm soát TTHC và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

d) Đảm bảo 100% TTHC được công khai, minh bạch bằng các hình thức niêm yết thiết thực và thích hợp theo quy định của Trung ương và thành phố; 

đ) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/2009/CT-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2009 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh một số hoạt động trong thực hiện TTHC.

3. Cải cách tổ chức bộ máy:    

a) Hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa các cấp chính quyền của thành phố, nâng cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm và năng lực của từng cấp, từng ngành; 

b) Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, nhằm giảm thời gian giải quyết, giảm cường độ lao động của CBCCVC và tạo môi trường thân thiện với người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch tại cơ quan hành chính nhà nước;

c) Triển khai thực hiện đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC:

a) Triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực đội ngũ chuyên trách CCHC giai đoạn 2013 - 2015; Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”;

b) Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị cho CBCCVC, bảo đảm việc bồi dưỡng phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định, trong đó cần tập trung đào tạo đại học chuyên ngành cho công chức cấp xã; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là các ngành mũi nhọn mà thành phố đang cần về công tác tại thành phố;

c) Thực hiện nghiêm Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế ứng xử của CBCCVC trong bộ máy chính quyền địa phương; Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2012 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của CBCCVC; Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2013 của UBND thành phố về Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước các cấp trong thành phố về thực hiện CCHC;

d) Tập trung đào tạo, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh, chú trọng đến năng lực và kỹ năng thực thi công vụ, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; đề cao ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC, trước hết là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp từ thành phố đến cơ sở;

đ) Nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới cách thức tuyển chọn lãnh đạo phòng, ban thuộc sở và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận, huyện;

e) Xây dựng chương trình đào tạo chuẩn cho công chức phụ trách CCHC thành phố đảm bảo cho đội ngũ này có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ;

g) Triển khai thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

5. Cải cách tài chính công:

Các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP về biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 115/2005/NĐ-CP. 

6. Hiện đại hóa hành chính:

a) Tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; tăng dần các dịch vụ công trực tuyến của sở, ban, ngành thực hiện mức độ 3. Đến cuối năm 2014, từ 60% các văn bản chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan hành chính các cấp được thực hiện trên môi trường mạng; mỗi sở, ban ngành có ít nhất 05 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên và  mỗi quận, huyện chọn ít nhất 03 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực chọn ít nhất 01 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên;

b) Tiếp tục triển khai chữ ký số chuyên dùng; mở rộng ra nhiều đối tượng tạo tiền đề cho xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới;

c) Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng tốt cho hoạt động hành chính của các ngành, các địa phương và cho việc triển khai giai đoạn 2 của mô hình một cửa điện tử cấp huyện; trang bị một số kios tra cứu cho cấp xã;

d) Tổ chức triển khai xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và các phần mềm chuyên dùng cho phòng, ban chuyên môn cấp huyện và phần mềm quản lý CBCCVC. 

7. Tổ chức chỉ đạo, điều hành:

a) Hưỡng dẫn kịp thời cho các ngành, địa phương tập trung xây dựng Kế hoạch CCHC thật cụ thể, khả thi khắc phục tình trạng nội dung kế hoạch chung chung, không có mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, không phân công nhiệm vụ cụ thể;

b) Chỉ đạo kịp thời cho các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo đúng quy định của Bộ, ngành Trung ương;

c) Công bố Chỉ số CCHC năm 2013 các cấp, gắn kết quả thực hiện công tác CCHC với thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị;

d) Thực hiện nghiêm Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2013 của UBND thành phố về Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước các cấp trong thành phố về thực hiện CCHC; Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2012 của UBND thành phố về chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của CBCCVC;

đ) Chỉ đạo với các ngành, các địa phương và các đoàn thể thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp và CBCCVC, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác CCHC của thành phố; 

e) Thực hiện có hiệu quả dự án Tăng cường tác động của CCHC ở thành phố Cần Thơ do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (viết tắt là UNDP) tài trợ.

III. KẾ HOẠCH CỤ THỂ TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CCHC

Để Kế hoạch hoàn thành và đạt hiệu quả cao; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch này khẩn trương tiến hành triển khai thực hiện theo đúng thời gian quy định. 

(Đính kèm Phụ lục)

IV. GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp về cải cách thể chế và TTHC:

a) Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố đã ban hành; đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tính thụ động trong việc chuẩn bị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật;

b) Phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và  nhân dân trong xây dựng thể chế, để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính dân chủ và khả thi khi đưa văn bản vào thực tế cuộc sống; 

c) Tăng cường công tác kiểm tra ban hành văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi chặt chẽ tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố;

d) Tăng cường rà soát, thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC trên tất cả lĩnh vực quản lý nhà nước. Đảm bảo tuyệt đối TTHC phải được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và phải được niêm yết công khai, rõ ràng, minh bạch và chính xác...

2. Nhóm giải pháp về cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC:

a) Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị trên cơ sở một nhiệm vụ phân công cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy;

b) Tiếp tục rà soát sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố. Đồng thời, kiện toàn các phòng, ban có chức năng, nhiệm vụ cơ bản giống nhau theo hướng gọn nhẹ, hợp lý, đa ngành, đa lĩnh vực;

c) Tiếp tục chỉ đạo phân cấp và ủy quyền mạnh hơn cho sở, ban ngành và quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và năng lực của tổ chức bộ máy;

d) Tập trung đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố;

đ) Tiếp tục thực hiện gắn kết công tác đào tạo với công tác chuyên môn, đảm bảo ứng dụng tốt kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ sau đào tạo;

e) Đổi mới chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc tại thành phố; chính sách đãi ngộ CBCCVC và cán bộ khoa học hiện có;

g) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho CBCCVC, đặc biệt là đào tạo kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử cho công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; đối với cán bộ, công chức cấp xã, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm bảo đạt chuẩn theo từng chức danh công chức do Bộ Nội vụ quy định; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn của công chức cấp xã trên chuẩn do Bộ Nội vụ quy định;

h) Tổ chức lấy ý kiến người dân về sự phục vụ của cơ quan nhà nước và dịch vụ công về y tế, giáo dục;

i) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2012 của UBND thành phố về chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của CBCCVC và Chỉ thị số 02/2009/CT-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2009 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh một số hoạt động trong thực hiện TTHC;

k) Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định các công việc của cơ quan, đơn vị, không đùn đẩy công việc cho các ngành khác và lên cấp trên; giám sát và xử lý CBCCVC cấp dưới không chấp hành chỉ đạo của cấp trên hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp với các ngành có liên quan khi thực hiện công vụ; xây dựng cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC;

l) Ban hành các quy định về công tác đào tạo nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các quyết định phân công đi đào tạo, bồi dưỡng.

3. Nhóm giải pháp cải cách tài chính công:

a) Phát huy có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khoa học kỹ thuật, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để việc thực hiện về tự chủ thực sự đúng nghĩa;

b) Chuyển dần các mô hình sự nghiệp có thu thuộc ngân sách nhà nước được cân đối một phần chi phí hành chính và biên chế sang tự cân đối trong các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, thể dục - thể thao và khoa học công nghệ;

c) Tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về tài chính công nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các ngành, các cấp làm cơ sở cho việc sơ kết đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất những giải pháp giúp cho việc tự chủ của các ngành, các cấp đạt hiệu quả cao hơn. 

4. Nhóm giải pháp hiện đại hóa hành chính:

a) Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp nhằm nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm hiện có, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện giai đoạn 2 mô hình một cửa ứng dụng công nghệ thông tin cấp huyện; thực hiện tích hợp thông tin từ các cấp về Trung tâm Dữ liệu thành phố;

b) Nghiên cứu lựa chọn các TTHC có khả năng áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên để triển khai thực hiện;

c) Xây dựng các phần mềm chuyên dùng cho các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, giảm dần các thao tác trên giấy để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc;

d) Công khai tất cả TTHC các cấp trên Cổng thông tin điện tử thành phố, trang thông tin điện tử của từng đơn vị, cập nhật kịp thời khi có thay đổi, bổ sung;

đ) Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức Hội nghị trực tuyến, đối thoại trực tuyến giữa các cơ quan hành chính với nhau và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố.

5. Nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành:

a) Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường chỉ đạo triển khai công tác CCHC, nhất là công tác tự kiểm tra tại các sở, ban ngành; cấp huyện và cấp xã nhằm chấn chỉnh kịp thời những hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực có thể xảy ra. Có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu kinh phí và các nguồn lực khác nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CCHC. Giúp Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Kế hoạch này;

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và CBCCVC, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác CCHC của thành phố. 

Trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền sau:

- Tiếp tục biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu, tờ gấp thông tin về CCHC; tiếp tục mở rộng việc niêm yết TTHC cấp huyện, cấp xã tại Nhà thông tin ấp, khu vực ở những nơi đủ điều kiện trên địa bàn thành phố;

- Tiếp tục thực hiện các chương trình CCHC định kỳ hằng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Đài Truyền thanh quận, huyện; nghiên cứu đa dạng hóa Chương trình Gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với người dân và tổ chức nhằm thực hiện nội dung tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; 

- Tiếp tục tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp;

- Tiếp tục thực hiện mô hình Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa UBND cấp huyện với người dân;

- Tiếp tục tổ chức khảo sát kiến thức tin học, kiến thức CCHC đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức;

- Tổ chức lấy ý kiến người dân về sự phục vụ của cơ quan nhà nước và dịch vụ công về y tế, giáo dục;

c) Các ngành, các cấp cần bố trí kinh phí phù hợp cho việc thực hiện CCHC như: công tác tuyên truyền CCHC; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CCHC; trang bị phương tiện làm việc, trụ sở làm việc; duy trì hoạt động Trang tin điện tử về CCHC của thành phố và hoạt động khác liên quan đến công tác CCHC;

d) Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của dự án Tăng cường tác động CCHC ở thành phố Cần Thơ do UNDP hỗ trợ.

Đính kèm:

Kế hoạch CCHC số 126.doc

Kế hoạch tuyên truyền CCHC số 127.doc

Kế hoạch kiểm tra CCHC số 128.doc