Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ 

Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ (NQ45) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022 và được thực hiện trong 5 năm. NQ45 với nhiều nội dung quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL theo mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020.        

            

 TP Cần Thơ đang nỗ lực trở thành đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL. Trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ chụp trên tuyến Ðại lộ Hòa Bình. Ảnh: S.H

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Cần Thơ là thành phố trẻ, có lịch sử hình thành và phát triển trên 130 năm. Cần Thơ có vị trí chiến lược kinh tế cũng như quân sự của vùng, đầu mối giao thông thủy bộ của đồng bằng Tây Nam Bộ nằm ở trung tâm vùng ÐBSCL. Cần Thơ là 1 trong 5 đô thị loại l của Trung ương. Hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật phong phú như cảng Cần Thơ có thể tiếp nhận tàu 10.000 tấn, cảng biển Cái Cui có thể tiếp nhận tàu 20.000 DWT với công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng trên 4-5 triệu tấn/năm, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã chính thức hoạt động vào cuối năm 2008 với các tuyến bay nội địa và các tuyến bay quốc tế hoạt động vào cuối năm 2010.

Ðồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ÐBSCL là trục hành lang TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ -  Sóc Trăng), TP Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng. TP Cần Thơ có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là tài nguyên đất và nước, với hậu phương rộng lớn là cả vùng ÐBSCL với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ÐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc”.

Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương: “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế". Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là cần thiết nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của thành phố, thực hiện được các mục tiêu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Các cơ chế đặc thù cho Cần Thơ

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định…

Về quản lý đất đai: HÐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về quản lý quy hoạch: Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý: Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HÐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Ðảng, chính quyền, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.

Về nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ: Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư như thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo…

Về Dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.

TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND triển khai thực hiện NQ45. Theo đó, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ phải dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của thành phố nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển, thí điểm các phương thức thực hiện đầu tư hiệu quả, hình thành khu vực đô thị - thương mại hàng không, tạo động lực mới cho thành phố và cả vùng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, khả năng huy động đa dạng các nguồn lực xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Ðảm bảo sự phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố, đảm bảo các chính sách đầu tư được xây dựng theo định hướng đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư để phát triển một số lĩnh vực trọng điểm của thành phố. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng các quy định về thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.

HOÀNG YẾN

Nguồn: baocantho.com.vn