Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số: một số kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2022
Trong quý III năm 2022, các nhiệm vụ trong Chương trình CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ đã thực hiện đảm bảo các yêu cầu đặt ra, các văn bản chỉ đạo thực hiện được ban hành và triển khai kịp thời. Công tác cải cách TTHC luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy và sự đồng lòng của các ngành, các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố. Nhiều cơ quan, đơn vị đặc biệt là UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã có nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện cải cách TTHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức thể hiện qua kết quả đánh giá kết quả giải quyết TTHC có sự tiến bộ so với cuối năm 2021 (09 đơn vị cấp huyện xếp loại Tốt trở lên, 55 đơn vị cấp xã xếp loại xuất sắc). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực được rà soát, kiểm tra. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từng bước được đổi mới, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường.
Để thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ, thành phố đã tổ chức 01 Hội nghị về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ, 01 hội thảo xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030, 01 hội nghị tổng kết Đề án 06/CP về dữ liệu dân cư, triển khai Mô hình điểm DVCTT (DVCTT) theo Đề án.
Nhiều kết quả tích cực, nổi bật
Kết quả thực hiện TTHC trên môi trường điện tử:
Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện số hóa trên Hệ thống và lưu trữ điện tử do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, đã thực hiện số hóa được 41.479 giấy tờ của 449 loại kết quả giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ 11,4% số lượng giấy tờ cần số hóa. Thành phố đã cập nhật, tích hợp 1.248/1.408 dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 89% vượt yêu cầu kế hoạch CCHC năm 2022 (mục tiêu ít nhất 50%); trong đó, mức độ 3 là 243 dịch vụ công, chiếm 96,81% dịch vụ công mức 3 của thành phố; mức độ 4 là 1.015 dịch vụ công, chiếm 87,5% dịch vụ công mức 4 của thành phố.
Hồ sơ giải quyết TTHC luôn được đồng bộ kịp thời từ Cổng Dịch vụ công thành phố và Cổng Dịch vụ công quốc gia, phục vụ tốt cho công tác quản lý, theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Trong kỳ báo cáo, thành phố đã đồng bộ 151.649 hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 82,5% hồ sơ toàn thành phố. Riêng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã đồng bộ 13.883 hồ sơ, đạt tỷ lệ 82,8%.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí/lệ phí, thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong kỳ báo cáo, có 1.090 giao dịch trực tuyến thành công, riêng giao dịch nộp thuế đất là 892 giao dịch, tăng hơn 2,5 lần so với 6 tháng đầu năm (giá trị khoảng hơn 6,8 tỷ đồng), phí/lệ phí là 198 giao dịch (giá trị hơn 120 triệu đồng). Thành phố đã tích hợp 348 dịch vụ công mức độ 4 có thu phí/lệ phí lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 96,1% tổng TTHC mức độ 4 có thu phí/lệ phí, chiếm 61,8% TTHC có thu phí/lệ phí toàn thành phố, hiện vẫn còn 87 TTHC có thu phí/lệ phí chưa đủ điều kiện thực hiện DVCTT mức độ 4).
Về xây dựng, phát triển dữ liệu:
Hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) đang được khai thác, sử dụng và tiếp tục hoàn thiện để kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố.
Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2022 về triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại thành phố Cần Thơ, đã triển khai cấp địa chỉ số cho hộ gia đình, tổ chức, cơ quan là 236.283 địa chỉ.
Về xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ:
Hệ thống thư điện tử thành phố đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu trao đổi thông tin trong công việc của các cơ quan, đơn vị, CBCCVC. Đồng thời, thường xuyên rà soát và cấp phát thư điện tử CBCC các cơ quan, đơn vị và CBCCVC thuộc khối cơ quan cấp thành phố, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
100% các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã với 519 cơ quan, đơn vị tiếp tục sử dụng ổn định hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc đến, tỷ lệ sử dụng văn văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố đạt 96%.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chữ ký số được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi nhận văn bản điện tử liên thông, thanh toán điện tử qua hệ thống Kho bạc nhà nước, xác thực thành phần hồ sơ TTHC, số hóa kết quả hồ sơ giải quyết TTHC. Tổng số chữ ký số USB token của toàn thành phố đang hoạt động đến thời điểm hiện tại là 2.019 (trong đó: 205 tổ chức, 1814 cá nhân) và 368 cá nhân đã được cấp SIM PKI để sử dụng trên các thiết bị di động. Tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 96%.
Về xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công thành phố Cần Thơ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC, đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Cổng dịch vụ công cũng đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp điền biểu mẫu, tờ khai điện tử bằng công nghệ e-form, hỗ trợ chữ ký số cá nhân, doanh nghiệp tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ. Bên cạnh đó cũng đã tích hợp DVCTT lĩnh vực BHXH, lĩnh vực Hải Quan, lĩnh vực thuế góp phần khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các DVCTT của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được liên thông với kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, phần mềm chuyên ngành, phần mềm số hóa, phần mềm quản lý văn bản và điều hành hỗ trợ các tác vụ xử lý hồ sơ, kết nối với một số hệ thống của các ngành khác.
Những hạn chế, khó khăn cần khắc phục
Nhìn chung, việc thực TTHC trên môi trường điện tử trong quý III có sự gia tăng hồ sơ thực hiện thanh toán trực tuyến phí/ lệ phí nhưng so với mục tiêu đề ra tỷ lệ này vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do việc thanh toán trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân và cơ quan giải quyết TTHC, đôi lúc việc kết nối giữa Ngân hàng và Cổng dịch vụ công quốc gia còn bị lỗi, dẫn đến việc thanh toán của tổ chức cá nhân gặp trở ngại. Hiệu quả vận hành của Cổng Dịch vụ công quốc gia còn chậm, phát sinh nhiều lỗi khi đăng nhập nên thường gây mất thời gian, tạo tâm lý ngại thực hiện thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC trong quý III đã tăng hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm (đạt tỷ lệ 11,4% so với tỷ lệ 3,58%); nhưng nhìn chung công tác số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC còn chậm, chưa đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu đề ra (mục tiêu của năm đến cuối năm 2022 cấp thành phố là 50%, cấp huyện 40% và cấp xã 35%). Nguyên nhân là do số lượng kết quả giải quyết TTHC của các năm trước rất nhiều, các đơn vị, địa phương không đủ nguồn nhân lực và thời gian để thực hiện đạt theo chỉ tiêu đề ra.
Trong công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, các thiết bị máy tính, máy in, máy scan ở các đơn vị, địa phương phần lớn đều có cấu hình thấp, xuống cấp, chưa thay thế kịp thời nên để ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên trong công việc hàng ngày còn gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên máy chủ vật lý tại Trung tâm dữ liệu thành phố đã sử dụng ngày càng nhiều, yêu cầu cần đầu tư nâng cấp. Một số CSDL chuyên ngành của thành phố (Y tế, Giáo dục, Giao thông Vận tải…) còn rời rạc, dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ, thiếu chính xác, chưa tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung của thành phố để chia sẻ dữ liệu dùng chung.
Phương hướng tới
Để góp phần tăng cường công tác CCHC trong ba tháng cuối năm, UBND thành phố sẽ tập trung các yêu cầu nhiệm vụ CCHC, phát huy những kết quả đã đã đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, sẽ triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về chính quyền số, chuyển đổi số; phát huy vai trò cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện, tuyên truyền hỗ trợ trực tiếp người dân tham gia chính quyền số, chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển chính quyền số, chuyển đổi số ở các ngành, địa phương; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã. Tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng DVCTT; tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị về Kho dữ liệu của thành phố phục vụ chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh thành phố Cần Thơ phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố; khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ tốt công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị./.
Việt Uyên