Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020
Ngày 17 tháng 3 năm 2017 Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về việc Khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 nhằm xây dựng và tạo lập hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp, khuyến khích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong quần chúng Nhân dân; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bằng những chính sách, công cụ hỗ trợ đầu tư kinh doanh, các quỹ đầu tư, các tổ chức ươm tạo và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, các hoạt động tư vấn, duy trì và phát triển doanh nghiệp. Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 13.800 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 63% GRDP của thành phố, doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 22,55% GRDP thành phố và 21,4% thu ngân sách thành phố, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp khoảng 38% GRDP thành phố; trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 5,55% GRDP và 25% thu ngân sách của thành phố. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp thành phố có hoạt động đổi mới sáng tạo..
Trong những năm qua, kinh tế thành phố có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu khá tích cực; bình quân 5 năm (2011 - 2015) tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố đạt 5,88 %/năm. Đi liền với phát triển kinh tế, số lượng các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố đều tăng. Trong điều hành kinh tế địa phương, thành phố có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố xếp hạng 14/63 tỉnh, thành nằm trong nhóm có “chất lượng điều hành khá”; Chỉ số cải cách hành chính công (PAPI) tăng đáng kể, năm 2015 đạt mức 02/63 tỉnh, thành phố. Từ đó tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng tốt hơn, giúp cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn hoạt động hiệu quả, cụ thể:
- Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, thành phố có khoảng 78.140 cơ sở kinh tế cá thể đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 136.858 lao động; Hiện nay có 211 Hợp tác xã (HTX), vốn điều lệ 464,4 tỷ đồng, với 9.909 xã viên giải quyết 12.000 lao động. Doanh thu bình quân đạt 4 tỷ đồng/HTX, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm/xã viên.
- Thành phố hiện có khoảng 6.928 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 55.545 tỷ đồng, bình quân 8,05 tỷ đồng/doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm khoảng 101.534 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 40%; bình quân hàng năm có khoảng 1.000 doanh nghiệp mới thành lập, tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 lao động. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có nhiều đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tổng vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp toàn xã hội đạt 180.656 tỷ đồng, tăng bình quân 8,6%/năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp rất quan trọng vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp còn tham gia ủng hộ và tài 2 trợ tích cực cho các công trình phúc lợi xã hội công cộng và các hoạt động văn hoá xã hội của địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa thành phố.
Kế hoạch xác định đối tượng áp dụng: Kế hoạch khởi sự doanh nghiệp được xây dựng nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong kinh doanh cho tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, hiệu quả dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn thành phố, trong đó đặt biệt quan tâm đến giới trẻ với ý chí cầu tiến, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, vượt khó và vươn lên làm giàu chính đáng.
Một số mục tiêu cụ thể như:
- Phát triển cơ sở kinh tế cá thể: phấn đấu đến cuối năm 2020 có khoảng 94.140 cơ sở kinh tế cá thể còn hoạt động, trong đó phấn đấu phát triển mới 16.000 cơ sở kinh tế cá thể và khoảng 30 - 35% cơ sở kinh tế cá thể trên địa bàn thành phố có hoạt động đổi mới sáng tạo.
- Phát triển hợp tác xã: phấn đấu thành lập mới 15 HTX/năm, nâng tổng số HTX trên địa bàn thành phố có trên 235 HTX vào năm 2020; tổng số xã viên đạt khoảng 15.000 xã viên, lao động thường xuyên trong khu vực HTX trên 22.000 người. Thu hút trên 50% hộ nông dân trên địa bàn nông thôn tham gia kinh tế tập thể hoặc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ của HTX, tổ hợp tác; mở rộng quy mô hợp tác xã, liên hiệp HTX, chú trọng ở lĩnh vực tín dụng và nông nghiệp. Nâng tỷ lệ HTX hoạt động ổn định, có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho thành viên chiếm trên 80%, HTX đạt khá giỏi trên 60%, giảm HTX yếu dưới 10%.
- Phát triển doanh nghiệp: phấn đấu đến cuối năm 2020 trên địa bàn thành phố có khoảng 13.800 doanh nghiệp còn hoạt động, trong đó thành lập mới 6.900 doanh nghiệp và khoảng 20 - 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nâng mức đóng góp của doanh nghiệp vào GRDP của thành phố chiếm từ 50 đến 60%; giải quyết trên 210.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 40%. Xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có đủ kiến thức chuyên môn, am hiểu thị trường theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, có tinh thần vượt khó, quyết tâm làm giàu chính đáng, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
Một số hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp
1. Truyền thông khởi nghiệp: nhằm chuyển tải thông tin đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là thanh niên, sinh viên về văn hóa khởi nghiệp, kinh doanh, về con đường tự làm chủ, làm giàu chính đáng, gắn với sự khám phá và đổi mới, sáng tạo. Khơi dậy tình yêu và niềm đam mê thật sự với công việc, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo tâm lý không e ngại thất bại và biến thách thức thành cơ hội, nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp; tạo ra những giá trị đích thực cho bản thân, xã hội và có ích cho cộng đồng.
2. Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp
3. Tổ chức đào tạo về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp: phối hợp với các tỉnh, thành phố, Viện trường và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn, các buổi chuyên đề về Khởi nghiệp.
4. Trợ giúp về tài chính, thuế, hỗ trợ lãi suất;
5. Hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp: - Cập nhật kịp thời lên Cổng thông tin điện tử thành phố và Cổng thông tin điện tử các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời;
6. Hỗ trợ xúc tiến thương mại - mở rộng thị trường: - Hỗ trợ cá nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tiếp cận với thị trường nước ngoài, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo cơ hội liên kết, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. - Tiếp tục triển khai thực hiện dự án hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và từng bước tiếp cận thị trường bên ngoài.
7. Thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp:
+ Hội đồng tư vấn khởi nghiệp thành phố: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp do lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố làm Chủ tịch Hội đồng;
+ Thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thành phố: giao nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cho Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư;
+ Thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp: - Thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập với mức vốn điều lệ từ nguồn ngân sách và vốn góp từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, có chức năng hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo lãnh cho vay hỗ trợ khởi nghiệp hoặc đầu tư dự án khởi nghiệp;
8. Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Kim Sang - P. CCHC