Tuổi trẻ xung kích chuyển đổi số
Ðoàn bộ TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều dự án, chương trình chuyển đổi số trong công tác Ðoàn vụ và phong trào thanh thiếu nhi. Trong đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ÐVTN); số hóa văn bản và khai thác các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến (mạng xã hội và ứng dụng trên điện thoại thông minh) để triển khai các hoạt động, phong trào thanh niên góp phần chuyên nghiệp và hiện đại hóa công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nâng cao nhận thức của tuổi trẻ về quá trình chuyển đổi số của quốc gia.
Số hóa công tác Đoàn vụ
Từ cuối tháng 2-2022, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ra mắt phần mềm Quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên. Phần mềm do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng, tích hợp trên ứng dụng (app) của điện thoại thông minh. Mỗi cấp bộ Ðoàn được Ðoàn cấp trên trực tiếp tạo lập tổ chức, cấp tài khoản để truy cập và thực hiện các nghiệp vụ về công tác đoàn viên thuộc thẩm quyền xử lý. Tại TP Cần Thơ, cán bộ chủ chốt các cơ sở Ðoàn thuộc Ðoàn khối Cơ quan Dân Chính Ðảng đã được tập huấn và triển khai phần mềm này. Theo đó, phần mềm số hóa 12 nghiệp vụ: kết nạp đoàn viên mới; chuyển đi, chuyển đến; trưởng thành đoàn; xóa tên đoàn viên; chương trình rèn luyện đoàn viên; đánh giá, xếp loại đoàn viên; đoàn viên danh dự; đoàn viên ưu tú; khen thưởng, kỷ luật; đoàn viên đi làm ăn xa; sinh hoạt đoàn nơi cư trú; sinh hoạt đoàn tạm thời.
Cán bộ chủ chốt các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ tham gia hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm Quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên.
Anh Huỳnh Ngọc Ðoàn, Phó Bí thư Ðoàn cơ sở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, chia sẻ: “Việc xây dựng dữ liệu rất cần thiết trong lưu trữ, truy xuất và quản lý thông tin đoàn viên, góp phần hiện đại hóa công tác Ðoàn vụ. Hơn nữa, việc số hóa sẽ góp phần giảm đáng kể số lượng văn bản giấy, tiết kiệm chi phí về tiền bạc và thời gian”. Phần mềm còn tích hợp thêm một số tính năng phụ trợ để tăng tương tác giữa các tổ chức Ðoàn, như: chat (trò chuyện) nội bộ, văn bản chỉ đạo, mời họp. Theo chỉ đạo của Trung ương Ðoàn, từ ngày 1-3 đến 30-4-2022, phấn đấu hoàn thành cập nhật thông tin đoàn viên của tổ chức lên hệ thống; từ ngày 1-5 đến 30-11-2022, tiến hành thực hiện các nghiệp vụ về công tác đoàn viên và báo cáo công tác Ðoàn theo các biểu số liệu. Như vậy, phần mềm khi được triển khai đồng bộ đến các cấp bộ Ðoàn sẽ giúp số hóa toàn bộ dữ liệu đoàn viên trên cả nước; đồng thời thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nghiệp vụ trong công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Trước đó, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TWÐTN-BTC về thí điểm tổ chức sinh hoạt chi đoàn định kỳ, đại hội chi đoàn bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp đặc biệt. Ðây được xem là xu thế tất yếu bởi công nghệ thông tin ngày càng phát triển và điều kiện thực tế tại một số đơn vị đặc thù, khó có thể tập hợp ÐVTN trực tiếp. Về cách thức triển khai, ngoài tận dụng mạng xã hội, Trung ương Ðoàn thiết kế ứng dụng trên điện thoại thông minh và phần mềm, đáp ứng nhu cầu sử dụng chung của các cấp bộ Ðoàn. Ðơn cử như ứng dụng “Thanh niên Việt Nam” vừa có lưu trữ hồ sơ Ðoàn vụ, vừa có chức năng tương tác phục vụ các sự kiện phát trực tuyến đến ÐVTN (khi đã đăng ký tài khoản). Qua đó, tăng tính tương tác, kết nối và các bạn trẻ dễ dàng theo dõi, tham gia các hoạt động, phong trào do tổ chức Ðoàn - Hội tổ chức.
Tận dụng nền tảng trực tuyến
Theo anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, các cấp bộ Ðoàn đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng số cho ÐVTN, thiếu nhi. Ngoài các hoạt động truyền thông về chuyển đổi số, tuổi trẻ thành phố còn triển khai nhiều cuộc thi, trong đó đòi hỏi người tham gia cần có kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Cuộc thi “Tin học sáng tạo” (do Thành đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức trong tháng 1 và tháng 2-2022), Ban tổ chức đã nhận hơn 493 sản phẩm dự thi lập trình của học sinh 6-15 tuổi. Tất cả quy trình cuộc thi, từ công tác tập huấn, vòng sơ khảo đến chung kết đều diễn ra trên phần mềm và các sản phẩm dự thi cũng trên cơ sở ứng dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố.
Hay như cuộc thi “Tin học trẻ” do Trung ương Ðoàn phát động từ đầu tháng 3-2022, dành cho học sinh tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc, cũng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Nội dung thi chủ yếu về sử dụng ngôn ngữ lập trình theo từng cấp độ (tương ứng với từng bảng thi). Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm sáng tạo tích hợp ứng dụng trong lĩnh vực tự động hóa, giáo dục, giao thông, môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Qua mỗi cuộc thi, giúp các bạn trẻ nâng cao kiến thức, kỹ năng số, đáp ứng yêu cầu trong quá trình học tập, làm việc và nghề nghiệp tương lai.
Ðối với nội bộ công tác quản lý Ðoàn - Hội, tỷ lệ xử lý hồ sơ qua mạng tăng dần theo từng năm. Cụ thể, tỷ lệ văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan Thành đoàn đạt 100%; hồ sơ xét khen thưởng danh hiệu “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt” được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Thời gian tới, tuổi trẻ thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các công trình, phần việc ứng dụng công nghệ mới, tham gia vào quá trình thực hiện chuyển đổi số như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thanh niên; tiếp tục triển khai phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên; tuyên truyền các dịch vụ công trực tuyến, kiến thức pháp luật. Ðồng thời, tiếp tục triển khai phong trào “Sáng tạo trẻ”, mỗi đoàn viên đề xuất 1 ý tưởng, sáng kiến, trong đó có các nội dung liên quan đến cải cách hành chính. Qua đó, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số của thành phố.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn