Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), TP Cần Thơ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách TGBC vẫn còn những tồn tại, hạn chế: một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt; việc cắt giảm biên chế còn cơ học; hầu hết các trường hợp tinh giản thuộc ngành giáo dục, y tế… Thực trạng trên đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn nhằm đảm bảo mục tiêu TGBC gắn với cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC.
Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp bộ máy
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện TGBC giai đoạn 2015-2021; triển khai kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026 và triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 vào đầu tháng 10-2023, ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho biết, thành phố đã đạt và vượt lộ trình tinh giản và cắt giảm biên chế của giai đoạn 2015-2021. Toàn thành phố đã tinh giản và cắt giảm 243/213 biên chế trong cơ quan hành chính, đạt 114,08% kế hoạch; tinh giản và cắt giảm 3.456/2.313 người trong đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 149,42% kế hoạch; tinh giản 40 CB,CC cấp xã; cắt giảm 483 chỉ tiêu và tinh giản 11 biên chế hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Giai đoạn 2022-2026, thành phố tiếp tục đặt ra mục tiêu tinh giản 2.272 biên chế, gồm: 93 biên chế CC, 2.073 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 106 biên chế CB,CC cấp xã.
Theo bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, ngành thực hiện TGBC nhằm cơ cấu lại đội ngũ VC, giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sở đã phối hợp Sở Nội vụ trình UBND thành phố phê duyệt TGBC đối với 44 giáo viên, đồng thời rà soát để bố trí, sắp xếp, điều chuyển 65 biên chế và 16 giáo viên phù hợp vị trí việc làm, cơ cấu và định mức theo quy định.
Các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, góp phần giảm số lượng lớn người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong ảnh: Bệnh nhân được tư vấn phương pháp điều trị, chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ - đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Sở đã xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, vào đầu năm 2015, cơ cấu tổ chức của Sở có 10 phòng chuyên môn, 1 chi cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Sở đã rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng phòng chuyên môn để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, kết quả đã giảm 6 đầu mối trung gian (gồm 5 phòng chuyên môn, 1 chi cục và giảm 3 phòng thuộc chi cục)”. Quá trình sắp xếp, Sở đã giảm 6 chức danh cấp trưởng phòng, 7 chức danh cấp phó trưởng phòng, giảm 3 lãnh đạo phòng thuộc chi cục. Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng lãnh đạo phòng nhiều hơn chuyên viên ở tất cả các phòng chuyên môn thuộc Sở.
Hay như Sở Y tế đã lập kế hoạch cụ thể về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Giai đoạn 2017-2021, có 11 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2), góp phần giảm chi dự toán ngân sách nhà nước 108,7 tỉ đồng; đồng thời cắt giảm 2.453 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu; sắp xếp bộ máy tinh gọn, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác.
Còn nhiều hạn chế, bất cập
Theo bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, việc TGBC và cơ cấu lại đội ngũ VC, giáo viên tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở còn một số bất cập. Đơn cử như công tác rà soát, đánh giá VC, giáo viên hằng năm của một số đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, khách quan. Do đó, cần tạo sự đồng bộ trong TGBC với việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức, định mức biên chế, đồng thời gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cơ cấu lại đội ngũ CCVC; phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể, nhất là vai trò của người đứng đầu trong TGBC.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức và nhân sự, chưa xem TGBC là cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC. Việc cắt giảm biên chế CC chủ yếu là số lượng biên chế chưa sử dụng hoặc CC về hưu, cắt giảm biên chế sự nghiệp qua lộ trình đẩy mạnh tự chủ tài chính, chưa gắn với việc tinh giản thông qua đánh giá để cơ cấu lại đội ngũ CC,VC. Hầu hết các trường hợp TGBC tập trung ở ngành giáo dục và y tế...
Từ những hạn chế trên, ông Trần Việt Trường yêu cầu giai đoạn 2022-2026 các cơ quan, đơn vị và địa phương cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả và đạt lộ trình các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật trong công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, TGBC, cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC; phải có cách làm phù hợp, hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC, chất lượng thực thi công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng cơ cấu CC,VC một cách chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với các vị trí việc làm. Việc xây dựng được cơ cấu CB,CC phù hợp là cơ sở để xác định đúng đối tượng cần tinh giản, tránh mọi sự tùy tiện trong cắt giảm, TGBC. Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh phải đổi mới thực chất công tác đánh giá CB,CC,VC, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan và trung thực, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Người đứng đầu phải thực sự công tâm, khách quan trong đánh giá CB,CC,VC; đẩy mạnh lộ trình thực hiện tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn