Thương mại điện tử (TMÐT) phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới với tốc độ tăng trưởng năm 2022 xấp xỉ khoảng 20%, đứng thứ 5 thế giới. TMÐT ngày càng trở thành kênh phân phối quan trọng tại TP Cần Thơ và ghi nhận sự phát triển tích cực từ hưởng ứng của người kinh doanh và tiêu dùng.
Nhiều người dân đi chợ lựa chọn thanh toán qua app không dùng tiền mặt. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Ô Môn, quận Ô Môn.
Điểm nhấn “bức tranh” thương mại
Năm 2022, quy mô thị trường TMÐT ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước; nguồn thu thuế từ hoạt động này cũng tăng cao. Các công cụ thanh toán, đặc biệt số tài khoản TMÐT tăng trưởng rất nhanh nhất là các tài khoản ví điện tử, điều này thể hiện tốc độ giao dịch TMÐT của Việt Nam đã được cải thiện. Hoạt động TMÐT của Việt Nam tiếp tục trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối TMÐT tại nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Cần Thơ và khu vực ÐBSCL. Chương trình đã hỗ trợ hàng ngàn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên TMÐT và tạo thói quen mua sắm đối với người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về TMÐT xuyên biên giới với các đối tác là sàn TMÐT quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến nhiều quốc gia thông qua TMÐT.
Định hướng phát triển TMĐT năm 2023, TP Cần Thơ khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TMĐT cho doanh nghiệp, phối hợp tổ chức sự kiện TMĐT kết nối cung cầu hàng hóa cho các doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa các cơ quan về tình hình vi phạm, tội phạm, lợi dụng TMĐT để hoạt động… Đồng thời, triển khai các kênh thanh toán hướng tới mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện thanh toán điện tử phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử trong dân cư… |
Qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, năm 2022, trên địa bàn TP Cần Thơ có 53.885 giao dịch với số tiền 90.165 tỉ đồng. Các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone đã triển khai mô hình Chợ 4.0 tại 14 chợ tại các quận, huyện với trên 3.000 người tham gia sử dụng ứng dụng (trung bình 25%/chợ). Hiện, 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo chuỗi trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt còn được triển khai tại hệ thống các nhà thuốc, thanh toán học phí tại các trường học, thu hộ tiền điện, nước sinh hoạt. Theo khảo sát, tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của chuỗi các cửa hàng tiện lợi dao động từ 7-20 tỉ đồng/năm; đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, giá trị giao dịch đạt từ 37-50 tỉ đồng/năm/doanh nghiệp; mức tăng trưởng từ 4,7-47%, so với năm 2021, tùy theo đơn vị. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc phát triển song song bán hàng trực tiếp và trực tuyến thông qua website, app…
Nông nghiệp là ngành thay đổi nhiều nhất nhờ phát triển TMÐT. Những công cụ TMÐT đưa sản phẩm, dịch vụ địa phương ngày càng đi xa; không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, nhất là sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp của TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản cho nông dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Trong đó, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên sàn TMÐT như Tiki, Lazada, Voso, Sendo, Shopee, Postmart.vn. Ðến nay, nhiều sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Cần Thơ đã được hỗ trợ, hướng dẫn lên sàn TMÐT lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Voso, Postmart.
Cơ hội và thách thức
Theo các chuyên gia, cơ hội lớn nhất là Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ, kỹ năng chuyển đổi số của người dùng ngày càng tốt; cùng đó là sự phát triển nhanh chóng của nền tảng công nghệ phù hợp với chuyển đổi số. Ðiều này giúp TMÐT có thể tăng tốc nhanh. Cùng đó, năm 2023 dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sẽ tạo môi trường vận hành tốt hơn cho TMÐT. Ðây là hành lang pháp lý có độ tin cậy cao. Ngoài ra việc cải tiến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong TMÐT sẽ có căn cứ để xử lý tốt hơn. Tuy vậy, thị trường TMÐT Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn như chênh lệch khoảng cách tiếp cận TMÐT giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật. Cùng với đó, bên cạnh thói quen dùng tiền mặt thì lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm bán trên môi trường số vẫn còn là một vấn đề.
Ðể thúc đẩy TMÐT phát triển, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Mới nhất là Quyết định số 645/2020/QÐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMÐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 đưa TMÐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Theo ông Nguyễn Quách Nhi đại diện sàn TMÐT Tiki, đẩy mạnh hoạt động TMÐT, các giải pháp về tài chính số tại TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường lớn trong thời gian ngắn mà không phải đầu tư vào hệ thống cửa hàng, hệ thống phân phối khá tốn kém. Các mô hình hợp tác đa dạng, phương án vận hành, giải pháp tiếp thị từ các đơn vị TMÐT sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương.
Bài, ảnh: Khánh Nam
Nguồn: baocantho.com.vn