Nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, huyện Cờ Đỏ triển khai nhiều giải pháp, quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, công tác CĐS trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Xã Đông Hiệp ra mắt mô hình thí điểm thu phí trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Mến, Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) CĐS với 19 thành viên, 4 tổ CĐS cộng đồng với 24 thành viên. BCĐ thường xuyên cập nhật các văn bản để triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, các tổ CĐS cộng đồng tổ chức thực hiện. Các tổ CĐS cộng đồng trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, vận động người dân đến Công an xã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2; hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng tiện ích như Viettel money, Viettel Pay, Can Tho Smart, ứng dụng nộp hồ sơ trực tuyến… Đến nay, tất cả người dân của xã, theo quy định, đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 2; 60% người dân có sử dụng điện thoại thông minh đã cài đặt ứng dụng tiện ích.
Bên cạnh đó, UBND xã Đông Hiệp chỉ đạo Xã đoàn bố trí đoàn viên trực tại Bộ phận Một cửa xã để hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) bằng hình thức trực tuyến đạt 61,2%. Đặc biệt, từ đầu tháng 5-2023, UBND xã Đông Hiệp triển khai mô hình “Thanh toán trực tuyến” các loại phí thực hiện TTHC. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các đoàn viên, đến nay, có 211 hồ sơ TTHC đã được người dân chuyển tiền phí cho các cơ quan qua ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh, không cần sử dụng tiền mặt.
Nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, năm 2022, huyện Cờ Đỏ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy CĐS. Theo đó, tháng 3-2022, UBND huyện ban hành kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND huyện xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tối thiểu 50% tổng số hồ sơ; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh, xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Đến năm 2030, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tối thiểu 80% tổng số hồ sơ; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm 30% GRDP; trên 80% người dân, doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử...
Ông Phạm Minh Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết, nhằm thực hiện tốt mục tiêu CĐS theo kế hoạch đề ra, tháng 4-2022, UBND huyện đã thành lập BCĐ CĐS huyện; chỉ đạo thành lập 74 tổ công nghệ số cộng đồng, với 469 thành viên. Các tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn bố trí 1 đoàn viên, thanh niên trực tại Bộ phận Một cửa hướng dẫn người dân tạo tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. UBND huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho hơn 1.000 lượt người làm công tác CĐS các cấp...
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan nhà nước, tất cả phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, thị trấn sử dụng chữ ký số trong công việc. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối đến tất cả các xã, thị trấn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước... Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ, 6 tháng đầu năm 2023, cấp huyện có 630 hồ sơ được giải quyết trực tuyến (đạt 33,92%), cấp xã có 3.764 hồ sơ được giải quyết trực tuyến (đạt 39,37%); có 100% người dân theo quy định, đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 2; phần lớn người dân có sử dụng điện thoại và thiết bị thông minh đều đã cài đặt các ứng dụng tiện ích như Viettel money, Viettel Pay, Can Tho Smart, Gmail,… để sử dụng trong việc nhận và chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, không cần sử dụng tiền mặt.
Ông Phạm Minh Thuấn cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện CĐS tích cực và hiệu quả; đưa nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; bố trí ngân sách để nâng cấp thiết bị, đường truyền phục vụ tốt công tác CĐS. Chỉ đạo các cấp, các ngành sử dụng sản phẩm phần mềm do bộ, ngành Trung ương đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp. Song song đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện…”
Bài, ảnh: ANH DŨNG
Nguồn: baocantho.com.vn