Thực hiện dịch vụ công trực tuyến về chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến về chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe  

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Quyết định thực hiện dịch vụ công trực tuyến về giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH. Dịch vụ này sẽ áp dụng từ ngày 15-6-2022 trên Cổng dịch vụ công ngành BHXH Việt Nam và trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

https://baocantho.com.vn/imagetsdt/tsdt/2022/20220602/images/IMG_1654157796858_1654158007343.jpg

Người lao động nghiên cứu, thực hiện thủ tục để hưởng các chế độ về BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam.

Đối tượng hưởng các chế độ

Chế độ ốm đau: Áp dụng đối với người lao động (NLÐ) đang tham gia BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. NLÐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định ở trên.

Chế độ thai sản: NLÐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: lao động nữ mang thai; sinh con; mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; NLÐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLÐ thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp: NLÐ đã nghỉ hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong 1 năm theo quy định kể cả NLÐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi. NLÐ đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp bắt buộc sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, bị suy giảm khả năng lao động từ 15% trở lên, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.

Hồ sơ và các bước thực hiện

Chế độ ốm đau: NLÐ điều trị nội trú cần chuẩn bị: bản sao giấy ra viện của NLÐ hoặc của con NLÐ dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở KCB thì thay bằng bản sao giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì bổ sung giấy tờ khác của cơ sở KCB có thể hiện thời gian vào viện. Trường hợp chuyển tuyến KCB trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

Nếu điều trị ngoại trú, NLÐ chuẩn bị bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của 1 trong 2 người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú...

Chế độ thai sản: Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; NLÐ thực hiện biện pháp tránh thai mà điều trị nội trú thì cần bản sao giấy ra viện của NLÐ; trường hợp chuyển tuyến KCB trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện. Ðối với trường hợp điều trị ngoại trú thì cần giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Lao động nữ sinh con chuẩn bị bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trường hợp con chết sau khi sinh: bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con, bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ...

Ðể giải quyết chế độ cho NLÐ, đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị bản chính danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (mẫu 01B-HSB).

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Lập, nộp hồ sơ

NLÐ hưởng chế độ ốm đau, thai sản: Lập hồ sơ theo quy định tại mục thành phần hồ sơ và nộp cho đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Ðơn vị sử dụng lao động: Tiếp nhận hồ sơ từ NLÐ. Ðối với hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe: Thủ trưởng đơn vị sử dụng lao động phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở căn cứ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe của NLÐ và quy định của chính sách để quyết định về số ngày nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định (trường hợp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì người sử dụng lao động quyết định). Lập danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (mẫu số 01B-HSB) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLÐ theo quy định (hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày NLÐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản); nộp cho cơ quan BHXH nơi đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH.

Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định

Bước 3: Nhận kết quả: Ðơn vị sử dụng lao động, NLÐ nhận kết quả giải quyết của cơ quan BHXH.

Thời hạn giải quyết: Tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Bài, ảnh: C.H

Nguồn: baocantho.com.vn