Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Cần Thơ vừa ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 thành phố phấn đấu hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số và tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng số trong xã hội. Trong đó: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). Triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh và một số dịch vụ thông minh thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số dựa trên công nghệ số và nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số công nghệ thông tin và truyền thông; kinh tế số nền tảng; kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ mạng internet băng rộng, cáp quang, dịch vụ mạng di động 5G, hỗ trợ các phương tiện và triển khai kỹ năng số cho người dân để tham gia các dịch vụ số.
Việc chuyển đổi số thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực gồm: y tế; giáo dục - đào tạo; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông, vận tải và logistics; năng lượng; môi trường; sản xuất công nghiệp; du lịch.
Nghị quyết giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa Nghị quyết bằng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai chuyển đổi số của thành phố; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện và ban hành cơ chế, chính sách thu hút vào chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng Đảng của Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Trong những năm qua, Thành ủy Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình số 52-CTr/TU ngày 16/12/2019 về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của thành phố được quan tâm đầu tư; hạ tầng viễn thông đã phủ rộng khắp toàn thành phố với tốc độ truy cập cao tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử ngày càng được hoàn thiện mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao 2 chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh được triển khai thí điểm và đưa một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho sự phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông còn nhiều hạn chế về tính đồng bộ, hiệu quả trong công tác dùng chung cơ sở hạ tầng trong thành phố; hạ tầng cơ sở dữ liệu cho chính quyền điện tử chưa được chia sẻ, liên thông kết nối; hạ tầng an toàn thông tin mạng chưa được sự quan tâm đúng mức. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân còn hạn chế; số lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít, chất lượng chưa cao, chưa thuận tiện cho người dùng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức đúng vai trò ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, môi trường cho khởi nghiệp doanh nghiệp công nghệ số còn chưa hấp dẫn, chưa thu hút. Quy mô, cơ cấu, chất lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin và truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông của người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn.
Với việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, thành phố tập trung đổi mới công tác quản lý, điều hành bộ máy chính quyền, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Trung Hậu