Theo kết quả công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2022, TP Cần Thơ thuộc nhóm thấp (xếp thứ 55/61 tỉnh, thành phố, giảm 13 bậc so với năm 2021). Trong đó, có 6/8 chỉ số nội dung giảm điểm. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện điểm số chỉ số PAPI thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.
Công tác kiểm tra CCHC được thành phố tăng cường nhằm khắc phục hạn chế, cải thiện các chỉ số về CCHC, trong đó có chỉ số PAPI. Trong ảnh: Tổ giúp việc Đoàn kiểm tra CCHC thành phố kiểm tra tại Sở Công Thương TP Cần Thơ.
Theo ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, chỉ số PAPI không xếp hạng các địa phương bởi mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội, dân số và địa lý khác nhau, nhưng căn cứ trên số điểm đạt được của 61 tỉnh, thành phố (2 tỉnh không có dữ liệu đánh giá), TP Cần Thơ xếp thứ 55/61 tỉnh, thành phố, 12/13 tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL và 5/5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong 8 chỉ số nội dung (bao gồm 28 chỉ số thành phần) của chỉ số PAPI, có 6/8 chỉ số giảm điểm. Trong đó, giảm nhiều nhất lần lượt là các chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, cung ứng dịch vụ công và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; chỉ có 2 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 là chỉ số công khai, minh bạch và quản trị điện tử.
Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp; là kênh tham chiếu quan trọng để các cấp chính quyền điều chỉnh các hoạt động, chương trình về cải cách hành chính (CCHC), đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Tại hội nghị phân tích các chỉ số về CCHC do UBND thành phố tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng CCHC - Văn thư, lưu trữ (Sở Nội vụ), cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số PAPI năm 2022 mất điểm, như: việc giải đáp khiếu nại, tố cáo của người dân chưa kịp thời; công tác vận động đóng góp tự nguyện trên địa bàn dân cư chưa minh bạch; người dân khó tiếp cận thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo. Dịch vụ thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai còn phức tạp, người dân phải đi lại nhiều lần; có tình trạng công chức, viên chức làm khó dân; các dịch vụ giáo dục - y tế còn nhiều bất cập…”.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo là 1 trong 28 chỉ số thành phần đánh giá chỉ số PAPI. Tuy nhiên, qua khảo sát, chỉ số về công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ thấp so với các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, quy trình rà soát, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở còn hạn chế. Một số hộ nghèo chưa được tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Để khắc phục tình trạng này, Sở đề xuất xây dựng “Ứng dụng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố trên thiết bị điện tử”, nhằm thay đổi hình thức điều tra bản giấy sang ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách giảm nghèo; rà soát và điều tra hộ nghèo, cận nghèo đúng quy trình, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng.
Đối với nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thành phố còn một số hạn chế. Theo ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, việc triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố chưa đạt yêu cầu (hiện tỷ lệ số hóa hồ sơ và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của TP Cần Thơ mới đạt 27,38%). Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt thấp (năm 2022 chỉ đạt 3,52%, cấp huyện không phát sinh hồ sơ). Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hoàn thiện ứng dựng “Smart City”, xây dựng công cụ theo dõi tình hình xử lý văn bản và hồ sơ TTHC. Bên cạnh đó, các sở, ngành phối hợp UBND cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Các cấp, các ngành thành phố triển khai nhiều mô hình, giải pháp mới nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tiêu biểu như chương trình “Cà phê doanh nhân”, “Gặp gỡ và đối thoại với người dân và doanh nghiệp”; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp… Công tác kiểm tra về CCHC nói chung, văn hóa công sở, việc thực thi công vụ được tăng cường; việc rà soát, đơn giản hóa TTHC được đẩy mạnh. Qua đó, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn