Tạo môi trường hệ sinh thái hành chính trong sạch, công khai, minh bạch

(CT) - Chiều 3-2, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp lần 3. Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đến dự. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.  

https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2023/20230203/images/2-1.jpg

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cùng lãnh đạo các sở, ngành thành phố dự phiên họp tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, công tác CCHC năm 2022 có sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ và chuyển đổi số. Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật, 6 nghị quyết; các bộ, ban, ngành ban hành khoảng 403 thông tư và tham mưu trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định. Về cải cách TTHC, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tại bộ, ngành đạt 99,96%; ở cấp tỉnh đạt 99,33%. Ðối với Ðề án 06, đến nay, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối 12 bộ, ngành, 1 doanh nghệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương. Theo thống kê, hiện đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cả nước giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 145 vụ/ban thuộc cục, tổng cục. Tại địa phương, đến nay đã giảm 2.159 tổ chức phòng và tương đương; giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương. Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, 46/63 địa phương đã triển khai mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng đến cấp cơ sở, hiện cả nước có 68.933 tổ, với hơn 320.000 thành viên tham gia. Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100% (tăng 4% so với năm 2021), tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 52,8% (tăng 17,5% so với năm 2021).

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các nghị quyết của Ðảng đã xác định CCHC là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, do đó các bộ, ban, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chiến lược này. Công tác CCHC phải hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào; góp phần phòng, chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, đồng thời giảm công sức, thời gian của cán bộ, công chức, viên chức, tạo môi trường hệ sinh thái hành chính trong sạch, công khai, minh bạch. Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số, vì vậy các bộ, ban, ngành và địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó khai thác, ứng dụng chuyển thành nền kinh tế số, xã hội số, góp phần CCHC; tiếp tục xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trên tinh thần phục vụ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu CCHC phải được tiến hành đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện công tác CCHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm TTHC, nhất là các TTHC trong nội khối nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Ðồng thời, tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC ở địa phương, đề xuất và triển khai các giải pháp cụ thể gắn với đổi mới sáng tạo nhằm tạo đột phá trong công tác CCHC. 

Tin, ảnh: Q. THÁI

Nguồn: baocantho.com.vn