Số lượng văn bản điện tử trong tháng 5 gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021

Số lượng văn bản điện tử trong tháng 5 gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ "về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025" (Báo cáo số 75/BC-BTTTT ngày 01/6/2022) cho thấy, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia trong tháng 5/2022 là 550.787 văn bản (gửi: 118.781 văn bản, nhận 432.006 văn bản) cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

https://a.tcnn.vn/Images/images/chinh-phu-dien-tu-lam-thay-doi-phuong-thuc-lam-viec-trong-co-quan-nha-nuoc.jpg

Ảnh minh họa: Internet

Về công tác chỉ đạo, điều hành

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 và Kết luận tại phiên họp thứ hai (ngày 27/4/2022) của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; chỉ đạo các nhà mạng phát triển hạ tầng số, có chính sách chuyển nhanh các thuê bao sang sử dụng máy điện thoại thông minh; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương huy động, thuê chuyên gia về chuyển đổi số đối với các nhiệm vụ yêu cầu tính chuyên nghiệp mà cơ quan nhà nước thiếu nhân lực; khẩn trương xem xét, giải quyết việc cấp băng tần số vô tuyến điện cho Bộ Công an.

Ngày 26/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; ngày 27/4/2022, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số trong Quý I/2022, xác định các khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhằm tạo ra những đột phá về chuyển đổi số quốc gia giai đoạn tới; Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ định hướng tập trung thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông; ngày 20/5/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế: sau khi Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/3/2022, Bộ Công an đã xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về các nội dung liên quan tại kỳ họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo quy định. Trên cơ sở hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an gửi ngày 16/5/2022, ngày 20/5/2022, Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định đối với dự thảo Nghị định.

Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử: tính đến ngày 25/5/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP trong tháng 5/2022 là 32.873.589, tăng hơn 28 lần so với cùng kỳ tháng 5/2021; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là 440.856.436; trong tháng 5/2022, trung bình hằng ngày có khoảng 1,3 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. 

Về xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng Chính phủ điện tử:

CSDL quốc gia về dân cư: Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021. Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 06. Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 03/5/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Đề án 06, nhiệm vụ phải hoàn thành trong tháng 5/2022 về kết nối chia sẻ, xác thực thông tin công dân với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

CSDL về bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục tiến hành làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành BHXH, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về bảo hiểm; phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số căn cước công dân từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH; BHXH đã có các văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp kê khai mã số BHXH, số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế nhằm triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06; tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với các Bộ, ngành để cung cấp các dịch vụ.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: tính đến ngày 20/5/2022, Hệ thống đã có 23.574.327 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.272.422 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 4.805.992 dữ liệu đăng ký kết hôn; 3.443.340 dữ liệu đăng ký khai tử; 6.913.525 dữ liệu khác.

Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc

Trục liên thông văn bản quốc gia: số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 5/2022 là 550.787 văn bản (gửi: 118.781 văn bản, nhận 432.006 văn bản) cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay Hệ thống có tổng số hơn 11,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Trong tháng 5/2022 đã phục vụ 01 phiên họp Chính phủ và xử lý 31 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 7,6 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 53 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.163 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 419 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo của 75 Bộ, cơ quan, địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15 chế độ báo cáo trên Hệ thống; 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg; kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến; xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với trên 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu. Tiếp tục phối hợp với các chuyên gia và các Bộ, ngành xây dựng và hiển thị 16 nhóm chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hàng ngày, hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý vận hành và khai thác Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp: tính đến ngày 25/5/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đủ kiều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,59% tổng số thủ tục hành chính); từ ngày 21/4/2022 đến ngày 20/5/2022, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có trên 125 nghìn tài khoản đăng ký; trên 4,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 264 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 272 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 90 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 303 tỷ đồng. Đến nay đã cung cấp 3.665 DVCTT mức độ 3 và 4; đã có hơn 1,74 triệu tài khoản đăng ký; hơn 114,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 5,1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 3,7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 867 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 1.631 tỷ đồng; hơn 159 nghìn cuộc gọi tới tổng đài tư vấn.

Về xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân: trong tháng 5/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 847 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 9,70% so với tháng 4/2022./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Nguồn: tcnn.vn