Trong Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Cần Thơ đã tập trung nguồn lực chuyển đổi số (CÐS), khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ và Công ty Cổ phần Công nghệ số thông minh công bố triển khai thí điểm Nền tảng Công dân số TP Cần Thơ nhằm thúc đẩy các hoạt động CÐS của thành phố.
Lấy người dân làm trung tâm
Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thành phố tích cực phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố được nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân, được đánh giá cao về chất lượng.
Thành phố đã hoàn thành triển khai Hệ thống quản lý cán bộ, công chức và viên chức, tiến tới đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức và viên chức lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức và viên chức; hoàn thành Cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tỷ lệ 100%; hoàn thành triển khai Trợ lý ảo Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành triển khai phần mềm quản lý thư viện (MyLib) đến các thư viện quận huyện trên địa bàn thành phố; hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên nền tảng VBDLIS ở 6/9 quận, huyện (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Phong Ðiền, Vĩnh Thạnh), đang xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai các địa phương còn lại.
Ðặc biệt, ứng dụng Can Tho Smart do Cần Thơ xây dựng có nhiều tính năng hữu ích, cung cấp dịch vụ số thiết yếu tạo thuận tiện cho người dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính, thanh toán dịch vụ công. Người dân có thể theo dõi, giám sát trực tuyến tình hình tham gia giao thông trên các tuyến đường địa bàn thành phố, dễ dàng thanh toán trực tuyến các dịch vụ như thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; khai và nộp thuế cá nhân hoặc doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại…
Trên Can Tho Smart, khách du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin cần thiết như các điểm đến du lịch nổi tiếng, các địa điểm ăn uống, khách sạn, các dịch vụ vui chơi, giải trí tại Cần Thơ. Thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố; Hồ sơ sức khỏe điện tử; mô hình chợ 4.0; đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Chuyên trang “Chuyển đổi số TP Cần Thơ” cũng được cập nhật thường xuyên, liên tục các nội dung liên quan đến hoạt động chuyển đổi số của thành phố. Tổ chức cuộc thi “Ðánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2023” với sự tham gia của hơn 550 lãnh đạo các đơn vị thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
TP Cần Thơ cũng đang tập trung chương trình vận động, tuyên truyền người dân tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến thông qua nhiều kênh như chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Cổng thông tin điện tử thành phố, Zalo, Facebook, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; tuyên truyền trên Báo Cần Thơ, đài truyền hình, truyền thanh và tuyên truyền lưu động về CÐS của thành phố.
Ngoài ra, chính quyền thành phố tập trung đầu tư hạ tầng số đảm bảo an toàn thông tin mạng; đồng thời, xây dựng các nền tảng số để tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh, thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức để công tác quản lý và điều hành tốt hơn và minh bạch.
Thời gian qua, các tập đoàn viễn thông như Viettel và Vinaphone luôn đồng hành, hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện các giải pháp CÐS hiệu quả. Trong ảnh: Viettel và Vinaphone giới thiệu giải pháp CÐS tại Hội chợ, triển lãm “Thành phố Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển”.
Tập trung hơn, quyết liệt hơn
Tính đến cuối năm 2023, TP Cần Thơ đã có được khung pháp lý CÐS đầy đủ, an toàn thông tin mạng cùng với nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn thành phố... Ðây là những điểm mạnh giúp Cần Thơ bứt phá về CÐS. Theo đó, Cần Thơ đã tập trung đầu tư hạ tầng an toàn thông tin mạng; xây dựng các nền tảng số để tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh, thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CÐS thành phố trong năm 2023, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh: Ðể thực hiện CÐS, phát triển đô thị thông minh có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, các sở, ban ngành thành phố và quận, huyện phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, xem CÐS là một trong những giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mỗi cơ quan, đơn vị (nhất là lĩnh vực thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp) cần chọn ít nhất 1 nội dung trọng tâm CÐS trong lĩnh vực của ngành, địa phương và đăng ký, cam kết với thành phố để triển khai thực hiện.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu rà soát hiện trạng, nâng cấp mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, tập huấn cán bộ công chức, viên chức phục vụ CÐS. Ðối với các sở, ngành được phân công làm chủ đầu tư các nhiệm vụ, dự án của đề án đô thị thông minh, kế hoạch CÐS phải khẩn trương triển khai thực hiện… Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp nền tảng dùng chung của thành phố, phục vụ người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng có hiệu quả; hỗ trợ, tư vấn cho các cơ quan, địa phương trong thực hiện CÐS...
Bài, ảnh: ANH KHOA