Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố vừa tổ chức tọa đàm chủ đề “Phụ nữ tích cực chuyển đổi số (CÐS)” với những nội dung liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại 4.0, cá nhân trong môi trường số, các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, vai trò của phụ nữ trong việc tham gia thực hiện CÐS... Qua đó, giúp nhiều chị em hiểu rõ hơn và tích cực tham gia CÐS.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ hướng dẫn lao động nữ lựa chọn việc làm phù hợp trong thời đại kỹ thuật số.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe báo cáo về công tác CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các kế hoạch của UBND thành phố. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh: “Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, do vậy, các ngành tập trung việc số hóa dữ liệu, cập nhật rà soát dữ liệu, phát triển dữ liệu, thực hiện quản lý, chia sẻ dữ liệu”. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, công tác CÐS của TP Cần Thơ bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tất cả xã, phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với 607 tổ và có 2.417 thành viên tham gia; đã số hóa 105.418 kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS và đến nay tất cả doanh nghiệp đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố được quan tâm. Các địa phương hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký, quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Tiêu biểu là mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại 14 chợ truyền thống, tạo điều kiện để tiểu thương, người tiêu dùng tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại. Chị Nguyễn Thúy Oanh, tiểu thương chợ Ô Môn, bộc bạch: “Tôi đã cài đặt, sử dụng Viettel Money. Sau thời gian sử dụng, tôi thấy cách thanh toán này rất tiện lợi, chỉ cần có số điện thoại đăng ký ứng dụng là có thể chuyển tiền mua bán hàng hóa”. Theo chị Oanh, những ngày đầu mới được triển khai, số lượng thanh toán bằng hình thức này còn ít, nhưng dần dần càng có nhiều khách hàng quét mã QR để thanh toán giao dịch.
Mô hình quán cà phê CÐS được UBND xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, thực hiện thí điểm tại quán cà phê Hoa Kiểng. Tại đây, lực lượng hướng dẫn các kỹ năng, đăng ký tài khoản thực hiện hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và các dịch vụ số thiết yếu khác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng... Ðồng thời, hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử, hướng dẫn tham gia các sàn thương mại điện tử. Với cách làm “cầm tay, chỉ việc”, đến nay, nhiều người quen dần với việc nộp hồ sơ, thủ tục hành chính thông qua DVCTT”. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân địa phương, nói: “Ðược cán bộ hướng dẫn cách thức thực hiện hồ sơ thông qua DVCTT, qua vài lần thực hiện, tôi đã rành các thao tác. Giờ đây, khi người nhà hay bạn bè cần, tôi đều hướng dẫn lại”.
Theo bà Nguyễn Kim Anh, công tác tại UBND phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, hiện nay, rất nhiều phụ nữ thực hiện thủ tục hành chính, tham gia mua bán theo hình thức trực tuyến. Ðể ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động, ngành chức năng cần có thêm nhiều động thái hỗ trợ chị em tiếp cận, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh: “Ðể thực hiện thành công CÐS, cần có sự tham gia tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình CÐS, ứng dụng công nghệ số đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với phụ nữ”. Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Trong 3 vấn đề: kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, thì xã hội số sẽ giúp người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ bình đẳng hơn trong các cơ hội tiếp cận về y tế, giáo dục, việc làm... thu hẹp khoảng cách, nâng cao chất lượng cuộc sống như học tập ngoại ngữ, các kiến thức bán hàng trực tuyến không chỉ trong phạm vi quốc gia. Trong thời đại 4.0, nếu chị em hiểu biết về công nghệ, sử dụng tốt các thiết bị thông minh, sẽ giảm thiểu các công việc chân tay hằng ngày; đồng thời có thể tạo ra nhiều mô hình kinh doanh, nghề nghiệp mới phù hợp với bản thân”.
Cần Thơ hướng đến mục tiêu phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện CÐS tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn. Mỗi cơ quan, đơn vị (nhất là lĩnh vực thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp) chọn một nội dung trọng tâm CÐS trong lĩnh vực của ngành, địa phương mình đăng ký, cam kết với thành phố để triển khai thực hiện. Ðó là cơ sở tạo bước đột phá CÐS trong năm 2023. Theo ông Nguyễn Thực Hiện, thành phố đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tích cực tham gia với vai trò nòng cốt trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng CÐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hỗ trợ tích cực việc triển khai Ðề án 06 của thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao tỷ lệ DVCTT; tổ chức phát động phong trào thi đua CÐS, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về CÐS, kỹ năng số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là phụ nữ tham gia DVCTT, các dịch vụ số thiết yếu khác. Ðẩy mạnh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trước những thời cơ và thách thức mà CÐS mang lại, để thích ứng với thời đại công nghệ số, mỗi phụ nữ cần cố gắng, nỗ lực tự trau dồi bản thân, trang bị kiến thức, đặc biệt là các kiến thức về công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, học tập các phương thức kinh doanh mới, giúp nâng cao tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp phụ nữ từng bước hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Nguồn: baocantho.com.vn