PCI 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long: một xu thế cải thiện và ổn định

PCI 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long: một xu thế cải thiện và ổn định

Ngày 05 tháng 4 năm 2017, Hội thảo phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 và chia sẻ các thực tiễn tốt trong cải thiện PCI được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long. Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ, TS. Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế cao cấp cùng đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố của 13 tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn đã có phần trình bày, giới thiệu kết quả Chỉ số PCI năm 2016 của cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bình luận những thay đổi tích cực của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Theo ông Đậu Anh Tuấn, các điểm sáng của PCI vùng đồng bằng sông Cửu Long là tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, doanh nghiệp ít phải chi trả chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân, là khu vực đứng đầu về tính năng động, tiên phong của chính quyền trong nhiều năm, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp lý an toàn hơn. Đây là những nội dung mà vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục là khu vực có điểm số đứng đầu cả nước từ năm 2013 đến năm 2016.

 Song, theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng hơn về việc cần nâng cao hơn chất lượng lao động, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa hài lòng về chất lượng lao động, các địa phương cần cải thiện việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tham vấn cho doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.

Đại biểu các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia Hội thảo

Đồng tình với nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, TS. Võ Hùng Dũng cũng đánh giá PCI ở đồng bằng sông Cửu Long là tốt theo một xu thế cải thiện và ổn định. PCI cả vùng năm 2016 có 02 tỉnh nhóm rất tốt, 5 tỉnh nhóm tốt, 5 tỉnh nhóm khá, 1 tỉnh nhóm trung bình, không có tỉnh ở nhóm thấp; có 2 tỉnh trong nhóm 10, 6 tỉnh trong nhóm 15 (năm 2015: có 1 tỉnh nhóm tốt, 3 tỉnh nhóm tốt, 8 tỉnh nhóm khá, 1 tỉnh nhóm tương đối thấp, 2 tỉnh trong nhóm 10, 5 tỉnh trong nhóm 15). Trong 12 năm đánh giá PCI, các tỉnh, thành phố có sự tăng giảm nhưng nhìn chung vẫn ổn định về chất lượng điều hành. Tỉnh, thành phố quan tâm cải cách luôn có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng cho thấy nỗ lực của tỉnh, thành được doanh nghiệp nhìn nhận. Tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt sẽ phát triển được doanh nghiệp, thu hút nhiều đầu tư.

Hội thảo cũng lắng nghe TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp trình bày về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển nhanh chóng, đổi mới liên tục, thay vì cố gắng duy trì một hệ thống sản xuất trong nhiều năm. “Cái gì còn đúng ngày hôm nay có thể đã lỗi thời ngay ngày mai”. Do đó, chính sách, sản xuất, quản lý, các chứng năng sẽ thay đổi liên tục. Nhà quản lý phải tìm ra giải pháp mới, phải chứng minh mình có hiệu quả hơn robot và robot không cần nghe mệnh lệnh sai bảo để làm việc. Để phát triển toàn diện hơn, theo TS Lê Đăng Doanh, cần đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó lấy đào tạo nhân lực, quản trị cho doanh nghiệp làm trung tâm.

Đại diện các địa phương tham gia chia sẻ thực tiễn tốt trong cải thiện PCI

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã lắng nghe nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong cải thiện PCI từ các địa phương như: những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long trong cải thiện PCI và điều hành của địa phương; mô hình cà phê doanh nhân, giám sát trả lời khiếu nại qua kênh báo chí của tỉnh An Giang, Đồng Tháp; sáng kiến đối thoại doanh nghiệp với chính quyền của tỉnh Sóc Trăng; đánh giá điều hành cấp sở, ngành, cấp huyện thị của tỉnh Kiên Giang, mô hình bác sĩ doanh nghiệp tại Bắc Ninh; sáng kiến thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, mô hình Đồng Khởi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre./.

Việt Uyên - P.CCHC