Nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính

Nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính 

Năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn TP Cần Thơ đều nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Tiêu biểu như đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, công dân; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức làm việc “thích ứng” với tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, trong khó khăn, càng tỏ rõ trách nhiệm, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đổi mới tuyên truyền

Công chức UBND phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thực hiện thủ tục chi tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền về CCHC được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện. Các thông tin về hoạt động CCHC đều được cập nhật thường xuyên trên trang tin điện tử CCHC của thành phố tại địa chỉ  http://www.cchccantho.gov.vn. Trung tâm Văn hóa thành phố thiết kế các pano, áp phích tuyên truyền về CCHC. Ngoài ra, việc tuyên truyền CCHC được lồng ghép trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: biên soạn, in ấn 150.000 loại tờ gấp, với nội dung hướng dẫn tổ chức, cá nhân thanh toán phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố; thực hiện TTHC về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; TTHC về cấp giấy phép xây dựng và xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều hình thức tuyên truyền về TTHC liên quan đến việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 52/NQ-HĐND. Điển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, đã thành lập Tổ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (bao gồm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của HĐND TP Cần Thơ). Bà Phạm Thị Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn, cho biết: “Từ khi giãn cách xã hội đến nay, mỗi ngày tôi nhận 2-3 cuộc gọi của người dân hỏi về các thủ tục nhận hỗ trợ; cao điểm đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có ngày tôi nhận hàng chục cuộc gọi. Với cách làm này, cán bộ phụ trách tiếp nhận thông tin từ người dân nhanh chóng, kịp thời có ý kiến với cơ sở để hướng dẫn người dân làm hồ sơ mà không phải đi đến công sở nhiều lần, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh”. Thành đoàn Cần Thơ cũng đã thành lập Tổ thông tin với hơn 10 cán bộ, tình nguyện viên tuyên truyền về các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, về TTHC nhận hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân gặp khó khăn do COVID-19. Nội dung tuyên truyền được thiết kế thành hình ảnh, biểu đồ... đưa lên mạng xã hội, giúp người dân dễ nắm bắt thông tin.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện nghiêm việc công bố, công khai TTHC. Hiện nay, có 1.916 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, trong đó có 1.905 TTHC do Trung ương quy định; 5 TTHC do địa phương quy định và 6 TTHC liên thông. Toàn bộ TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đồng thời niêm yết tại các cơ quan tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Nỗ lực giải quyết TTHC

Theo bà Nguyễn Thị Đỗ Huyên, Trưởng Phòng Tư pháp quận Ninh Kiều, năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Phòng Tư pháp quận đã bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức tăng cường làm việc trực tuyến, đồng thời bố trí cán bộ, công chức phù hợp, nhằm tuyên truyền và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Phòng cũng rà soát các TTHC để đề xuất áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Các sáng kiến cải cách TTHC được phòng tiếp tục quan tâm thực hiện, như: cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục “Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài” từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc; kết hợp 2 thủ tục “Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” và “Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài”, thành “Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài kết hợp với đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài”, rút ngắn thời gian giải quyết từ 10 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc.

Phòng Tư pháp quận cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về công tác xử lý vi phạm hành chính; nghiệp vụ chứng thực cho các đơn vị có liên quan và công chức tư pháp - hộ tịch các phường, từ đó chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC. UBND các phường của quận Ninh Kiều cũng công bố đường dây nóng về an sinh xã hội, chăm sóc y tế, phản ứng nhanh, an ninh trật tự. Đồng thời, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phù hợp vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa giải quyết TTHC cho người dân đúng quy định. 

Tại huyện Cờ Đỏ, công tác phối hợp giải quyết TTHC được các phòng, ban chuyên môn huyện thực hiện tốt. Ở cấp xã, cán bộ, công chức phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân với các mô hình tư vấn, hỗ trợ trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà; công bố đường dây nóng hỗ trợ bà con về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch, an sinh xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hồ sơ trả đúng hẹn đạt khá cao, cụ thể cấp huyện đạt 97,8% và cấp xã đạt 96,4%.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành buộc phải “thích ứng” trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Qua đó, cán bộ, công chức phát huy tinh thần trách nhiệm, thay đổi phong cách làm việc hiện đại và chuyên nghiệp hơn để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.  

QUỐC THÁI

Nguồn: baocantho.com.vn