Những nhiệm vụ lớn Thủ tướng giao Bộ Nội vụ

Những nhiệm vụ lớn Thủ tướng giao Bộ Nội vụ

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nâng cao chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ…

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao một số chỉ tiêu cụ thể về cải cách hành chính (CCHC), xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Chỉ số CCHC của các bộ, ngành, địa phương (Par-Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước bình quân cả nước (SIPAS), tỷ lệ tinh giản biên chế sự nghiệp…

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã triển khai ngay các giải pháp căn cơ để hoàn thành khối lượng công việc được Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Cụ thể, Bộ Nội vụ được giao theo dõi chỉ tiêu về chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ bình quân cả nước của năm 2022 là 85,5%; chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bình quân cả nước là 82% và chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bình quân cả nước (SIPAS) là 86%.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để đạt được các chỉ tiêu Chính phủ giao, các bộ, ngành, địa phương phải có nỗ lực rất cao, quyết tâm chính trị rất lớn trong thực hiện cải cách hành chính. Với vai trò, trách nhiệm của mình, để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Bộ Nội vụ đã xác định một số giải pháp căn cơ sau:

Trên cơ sở Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC hằng năm bảo đảm đồng bộ, toàn diện. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch CCHC của từng bộ, ngành và địa phương, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc tập trung xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân.

"Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả theo Chương trình tổng thể CCHC mà Nghị quyết của Chính phủ đã xác định.

Theo đó, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với CCTTHC, sắp xếp, tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng công vụ, công chức gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường chỉ đạo điều hành trong CCHC gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ CCHC được giao", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường kiểm tra

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền CCHC nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, tạo sự đồng thuận, tham gia của người dân và xã hội đối với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về thực hiện CCHC của từng bộ, ngành, địa phương, là cơ sở quan trọng để cải thiện Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

"Bộ Nội vụ có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá và khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, làm cơ sở cho việc ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC. Đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chỉ số CCHC theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao tính chính xác, khách quan, minh bạch. Sử dụng hiệu quả các thông tin của chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính để cải thiện, nâng cao hiệu quả CCHC của các bộ, cơ quan, địa phương cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Để đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế khối sự nghiệp, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo triển khai hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan nói trên, đồng thời, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm của công chức, viên chức, phục vụ cho công tác cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Bộ Nội vụ tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Tham mưu, phối hợp có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nhất là tập trung đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị hành chính là một trong những giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Bộ Nội vụ có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá và khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, làm cơ sở cho việc ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ.

Cho rằng một trong những nhiệm vụ nặng nề mà Bộ Nội vụ thực hiện là phối hợp tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó đã xác định danh mục các Nghị định cần sửa đổi, bổ sung để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đang xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP và chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết, bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương. Công việc này gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân của hệ thống hành chính Nhà nước.

Đồng thời, trong xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản chỉ đạo việc xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo có thông báo chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, ngành mình, gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 2/2022 và trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3/2022.

Sửa đổi "chùm nghị định" về kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ

Đề cập đến nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trong đó có việc chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ… Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ trong đó: tập trung sửa chùm 6 Nghị định.

Theo đó: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ Nghị định về thực hiện văn hóa công vụ trong cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý công vụ, công chức các bộ, ngành, địa phương.

"Có thể nói, các nội dung nêu trên được sửa đổi, bổ sung sẽ là cơ sở pháp lý để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao đạo đức văn hóa công vụ, thiết thực góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, vì dân phục vụ", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

(Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)