Các chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố. Ðây cũng là kênh tham chiếu để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thúc đẩy CCHC, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.
Sở Nội vụ TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác CCHC, góp phần giúp cải thiện, nâng cao thứ hạng các Chỉ số PARINDEX và SIPAS của thành phố.
Chỉ số PARINDEX được Bộ Nội vụ triển khai từ năm 2012 để đánh giá, xếp hạng công tác CCHC đối với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, bao gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân. Chỉ số này gồm 8 nội dung: công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Chỉ số SIPAS cũng được Bộ Nội vụ triển khai từ năm 2017, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể. Tiêu chí đo lường thông qua điều tra xã hội học theo 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; sự phục vụ của công chức; về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; về tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân.
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai xác định Chỉ số CCHC, đo lường sự hài lòng của người dân”, do Bộ Nội vụ tổ chức tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 11-2023, nhiều đại biểu cho rằng các chỉ số trên được công bố hằng năm, giúp các địa phương có cơ sở “nhìn lại” quá trình lãnh đạo, điều hành trong năm và có giải pháp khắc phục hạn chế, cải thiện hình ảnh đối với người dân, doanh nghiệp hoặc nâng cao năng lực quản trị công. Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC - Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát, đánh giá các chỉ số trên, đồng thời đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, làm cơ sở cung ứng dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân. Việc triển khai xác định các chỉ số này cần được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, tạo ra xung lực để thúc đẩy công tác CCHC, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Cùng quan điểm với ông Hùng, các đại biểu đề xuất cần nghiên cứu, áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm nâng cao tính khách quan, trung thực, công khai, minh bạch; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân; triển khai đo lường mức độ hài lòng của người dân bằng hình thức khảo sát trực tuyến, bấm nút trên các thiết bị điện tử tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND các cấp.
Năm 2022, chỉ số PARINDEX của TP Cần Thơ xếp hạng 26/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 25 bậc so với năm 2021. Riêng chỉ số SIPAS xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2021. Xét về thứ hạng, Cần Thơ vẫn thuộc nhóm thấp, tuy nhiên điểm đáng ghi nhận là Cần Thơ thuộc những địa phương có mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng bền vững qua các năm (từ 2017 đến 2022). Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Những năm qua, các chỉ số PARINDEX luôn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành, qua đó giúp các sở, ngành, địa phương xác định mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho CCHC. Chỉ số SIPAS giúp các cơ quan nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công”. Theo ông Dương Tấn Hiển, quan trọng hơn là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về CCHC được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được nêu cao; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.
Theo Vụ CCHC - Bộ Nội vụ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả xác định các chỉ số về CCHC, các địa phương cần nghiên cứu đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công; quan tâm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức tham mưu về CCHC đủ năng lực chuyên môn, có đạo đức, văn hóa công vụ; khắc phục, xử lý nghiêm, dứt khoát những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC. Cuối cùng, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác CCHC.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn