Ðội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) tư pháp ở TP Cần Thơ không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập...
Cán bộ Phòng Tư pháp quận Bình Thủy trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho người dân. Ảnh: CTV
Nâng cao chất lượng phục vụ
Theo Sở Tư pháp, trong những năm qua, đội ngũ CBCC tư pháp cơ sở trên địa bàn từng bước được nâng lên về số lượng và chất lượng. Vượt lên những khó khăn, đội ngũ CBCC tư pháp cấp xã đã nỗ lực phấn đấu, góp phần tạo nên những bước phát triển vượt bậc trong công tác tư pháp cơ sở, nổi bật nhất là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác chứng thực, hộ tịch, hòa giải... Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, tạo được lòng tin trong nhân dân. Ông Nguyễn Văn Liêm ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tôi đã nhiều lần đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường thực hiện các thủ tục hành chính, như: đăng ký khai sinh, kết hôn... Tôi thấy các thủ tục được niêm yết công khai, hồ sơ của người dân được cán bộ phường giải quyết nhanh chóng, đúng thời gian hẹn. Người dân không phải tốn thời gian đi tới, đi lui nhiều lần”.
Gần 10 năm gắn bó với công tác Tư pháp - Hộ tịch, anh Ðinh Văn Lợi, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Thuận An, quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Hiện tại, có một số việc đòi hỏi giải quyết ngay trong ngày, như: chứng thực, hộ tịch… Do đó, để hoàn thành công việc được giao, mỗi CBCC tư pháp phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi còn tranh thủ phối hợp các tổ chức, đoàn thể lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật mới, đặc biệt là vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước”.
Công tác Tư pháp - Hộ tịch liên quan mật thiết đến đời sống của mỗi cá nhân. Vì vậy, ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật, tâm huyết, đòi hỏi CBCC làm công tác Tư pháp - Hộ tịch phải có cách làm việc khoa học, cẩn thận, phải khéo léo, cởi mở khi tiếp dân, hòa giải cho dân. Chị Lê Kim Xuyến, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: “Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tôi luôn thẩm định kỹ lưỡng thông tin, nhất là đối với đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ tịch. Bên cạnh đó, tôi tranh thủ thời gian giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với yêu cầu của người dân”.
Bà Huỳnh Thúy Liễu, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, cho biết: “Ðể nâng cao năng lực đội ngũ CBCC Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, chúng tôi luôn quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ CBCC Tư pháp - Hộ tịch đảm bảo đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng. Cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện, bố trí những cán bộ có năng lực, phẩm chất, đảm nhận nhiệm vụ, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn”.
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc thực hiện các thủ tục hành chính về hộ tịch có yếu tố nước ngoài không còn quá xa lạ. Chị Dương Thị Thúy An ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, vừa hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Chị Thúy An cho biết: “Sau thời gian tìm hiểu, tôi và anh ấy quyết định kết hôn. Chúng tôi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Thới Lai để làm thủ tục đăng ký. Hồ sơ được giải quyết đúng hẹn. Chúng tôi không phải tốn thời gian đi lại nhiều lần”.
Trước đây, khi có nhu cầu thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, người dân phải đến Sở Tư pháp thành phố để thực hiện. Từ ngày 1-1-2016, khi Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài được chuyển giao cho UBND cấp huyện thực hiện. Quy trình giải quyết đã được rút gọn, đơn giản hóa, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý. Ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng Phòng Tư pháp quận Bình Thủy, cho biết: “Việc thay đổi thẩm quyền nhằm phát huy năng lực, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch; đồng thời, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch”.
Sau 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch năm 2014, quy định này đã thực sự đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Mai ở phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cho biết: “Ngày nay, các thủ tục hành chính về hộ tịch đều được niêm yết công khai, rõ ràng. Không chỉ vậy, đội ngũ CBCC phụ trách Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn rất nhiệt tình, hướng dẫn người dân chu đáo”. Ngoài ra, theo bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, nếu trước đây cán bộ địa phương phải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp, thì nay chỉ cần tra cứu tại website của Bộ Tư pháp là có cơ sở giải quyết hồ sơ. Nhờ đó, thời gian đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã được rút ngắn, từ 25 ngày làm việc xuống còn 15 ngày...
Hiện nay, các thủ tục hành chính về hộ tịch đều được quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng, công dân dễ dàng thực hiện, nhất là các thủ tục đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị khá đầy đủ, việc kết nối phần mềm Một cửa điện tử với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch... Ông Phùng Ngọc Thệ, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Việc thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã được Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết... tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân đúng theo quy định”.
Chấn Hưng
Nguồn: baocantho.com.vn