Làm việc trực tuyến - xu thế tất yếu
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước không chỉ được xem là giải pháp thích ứng với tình hình dịch COVID-19, mà còn là xu thế tất yếu. Hai năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang tận dụng, khai thác ứng dụng số phục vụ hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước. Qua đó, kỹ năng làm việc trực tuyến, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Ngọc Đăng Khoa (góc phải), giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, đang giảng dạy trực tuyến.
Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, giảng viên Khoa Điện, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, hầu như giảng dạy và làm việc trực tuyến qua các ứng dụng trên mạng. Môi trường làm việc trên mạng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như: dễ dàng kết nối với học sinh, sinh viên; chủ động sắp xếp lịch làm việc, đồng thời bản thân người dạy và người học đều nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự chủ trong công việc. Anh Khoa chia sẻ: “Từ đầu tháng 12-2021, tôi vừa học Trung cấp Lý luận chính trị, vừa phụ trách công tác giảng dạy, nhưng nhờ dạy trực tuyến, tôi có thể bố trí lịch học vào buổi tối”. Rõ ràng, nếu như học trực tiếp, việc thay đổi lịch dạy chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, địa điểm cho hàng chục sinh viên. Điều quan trọng, theo anh Khoa, là cả thầy và trò đều chủ động tự học, tự nghiên cứu để đảm bảo chất lượng cho từng học phần. Đơn cử như cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức. Hầu hết các vòng thi đều được tổ chức trực tuyến do dịch bệnh, nhưng số lượng dự án của sinh viên trường cao nhất từ trước đến nay, với 11 dự án vào vòng bán kết cuộc thi. Theo anh Khoa, trong quá trình hướng dẫn, anh chủ yếu làm việc trực tuyến, giúp sinh viên khai thác dữ liệu trên mạng, phục vụ các dự án nghiên cứu.
Không riêng anh Khoa, nhiều cán bộ, công chức, viên chức khai thác hiệu quả các nền tảng trực tuyến, như: mạng xã hội, app (ứng dụng số trên điện thoại) trong các hoạt động nội bộ cơ quan, đơn vị. Đồng thời, khai thác hiệu quả các nền tảng sẵn có, do thành phố cung cấp. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công chức luân phiên trực tại cơ quan, đòi hỏi UBND phường tăng cường làm việc trực tuyến. Bên cạnh thành lập nhóm trên mạng xã hội để trao đổi thông tin, phường phát huy có hiệu quả hộp thư điện tử và chương trình chữ ký số cũng được thực hiện thuận lợi, đúng quy định. Theo đó, các văn bản hành chính chủ yếu gửi qua hộp thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản điều hành, nhờ vậy giảm bớt thời gian công chức đi lại để gửi văn bản giấy mà dành thời gian đó giải quyết công việc chuyên môn. Thống kê năm 2021, tỷ lệ cán bộ, công chức phường sử dụng thư điện tử thành phố để trao đổi công việc hành chính đạt 95%; có 1.152 văn bản đã thực hiện ký số. Quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đều được cập nhật vào phần mềm quản lý, giúp lãnh đạo thuận tiện trong việc kiểm tra quá trình xử lý công việc của từng công chức.
Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung cho cán bộ, công chức, viên chức. Điển hình, Thành đoàn Cần Thơ số hóa để lưu trữ hồ sơ, thông tin. Các hoạt động, lớp tập huấn hầu như được tổ chức trực tuyến qua phần mềm. Cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành, địa phương còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, các mục tiêu về chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh của thành phố.
TP Cần Thơ đã triển khai hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc đến tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã, với 519 cơ quan, đơn vị. Hệ thống đã triển khai kết nối, liên thông Trục liên thông văn bản của thành phố với Trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp (từ Trung ương đến cấp xã). Đến cuối tháng 12-2021, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố là 1.325.702/1.380.940 văn bản, đạt tỷ lệ là 96%. Hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai đến tất cả UBND cấp huyện và cấp xã, qua đó đã tổ chức hơn 800 cuộc họp trực tuyến.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn