Khắc phục những hạn chế trong cải cách hành chính

Sở Nội vụ TP Cần Thơ vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác cải cách hành chính (CCHC), cụm 3 đơn vị: quận Ô Môn, huyện Phong Điền và huyện Thới Lai. Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở, ngành và địa phương chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và bàn giải pháp khắc phục những tiêu chí mất điểm nhằm cải thiện thứ hạng chỉ số CCHC năm 2023; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Công chức Bộ phận Một cửa UBND huyện Phong Điền giải quyết TTHC phục vụ người dân.

Theo Hội đồng thẩm định CCHC thành phố, kết quả đánh giá Chỉ số CCHC năm 2022 đối với khối quận, huyện, không có đơn vị nào thuộc nhóm rất tốt, có 7 đơn vị thuộc nhóm tốt, 2 đơn vị thuộc nhóm khá, không có đơn vị thuộc nhóm trung bình. Có 6/8 lĩnh vực tăng điểm, 2 lĩnh vực giảm điểm là công tác chỉ đạo điều hành và công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Tuy nhiên, duy nhất chỉ số lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt dưới 80%, các lĩnh vực còn lại đều đạt từ 80,27-81,75%.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng CCHC - Văn thư, lưu trữ Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cả 3 địa phương: Ô Môn, Phong Điền và Thới Lai có những tiêu chí mất điểm chung là việc cập nhật hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của thành phố chưa đạt 100%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia và số hóa kết quả giải quyết TTHC chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tình hình thực hiện ký số cá nhân trong phát hành văn bản điện tử còn hạn chế; chưa thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tại Bộ phận Một cửa.

Ông Nguyễn Thanh Nhanh khuyến nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thực hiện tốt các quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm Một cửa điện tử. Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng công khai chưa đầy đủ thông tin TTHC, tạo lập hồ sơ điện tử chưa đầy đủ, chính xác, giải quyết hồ sơ đúng hạn và cập nhật đầy đủ trên phần mềm.

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, kết quả công tác CCHC năm 2022 của huyện tuy được xếp loại tốt nhưng thứ hạng còn thấp (xếp thứ 7/9 quận, huyện). Nguyên nhân là một số cơ quan, đơn vị chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc, giám sát công tác CCHC thuộc phạm vi quản lý; chưa thực hiện tốt việc gửi nhận văn bản điện tử và ký số trên phần mềm. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trực tuyến toàn trình và dịch vụ bưu chính công ích còn thấp. Để khắc phục những hạn chế trên, UBND huyện phân công trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân có liên quan, khắc phục kịp thời và cải thiện chỉ số CCHC, gắn công tác thi đua, khen thưởng với công tác CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.  

Là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022, quận Ô Môn có nhiều sáng kiến trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Theo lãnh đạo UBND quận, từ đầu năm 2023, quận triển khai và nhân rộng mô hình quét mã QR trên điện thoại thông minh để nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán phí, lệ phí trên mạng. UBND quận chọn các thủ tục thiết thân với người dân ưu tiên triển khai trước ở các lĩnh vực: tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội. Đồng thời, tiếp tục duy trì mô hình tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến tại địa bàn dân cư; 100% thủ tục lĩnh vực thi đua, khen thưởng được xử lý trên môi trường mạng. Ngoài ra, UBND quận giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và hồ sơ giải quyết trực tuyến gắn với trách nhiệm người đứng đầu của các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường.

Trong năm 2023, UBND huyện Thới Lai cũng đề ra giải pháp khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, UBND huyện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và trách nhiệm phối hợp trong quy trình xử lý TTHC thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, không để người dân và doanh nghiệp đi lại nhiều lần để thực hiện TTHC; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân tùy tiện đặt ra những quy định TTHC trái pháp luật, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và nhân văn.

Từ ngày 7 đến 14-4, Sở Nội vụ TP Cần Thơ phối hợp UBND các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh tổ chức 3 buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác CCHC. Tại các buổi tọa đàm, lãnh đạo các địa phương và công chức được đại diện Sở Nội vụ phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác này; đại diện Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ phân tích kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn thành phố. Các đại biểu trao đổi và đề xuất giải pháp cải thiện các điểm số nhằm cải thiện thứ hạng chỉ số CCHC năm 2023 và những năm tiếp theo.

Quốc Thái

Nguồn: baocantho.com.vn