Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Cần Thơ năm 2019

Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Cần Thơ năm 2019

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, hoạt đông ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố trong đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

 Cổng thông tin điện tử thành phố hiện tại với 03 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp và có trên 8.872.704 lượt truy cập, trên 7.500 văn bản chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố và tin bài. Tất cả các sở, ngành, UBND quận, huyện đều có Cổng thông tin điện tử thành phần, số lượng tin, bài đăng trên các Cổng thông tin điện tử thành phần ngày càng đầy đủ và được cập nhật thường xuyên hơn, chất lượng tin, bài ngày càng được cải thiện.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã; được bổ sung các tính năng như kết nối qua hệ thống bưu điện, kết nối với trang mạng xã hội Zalo để tra cứu thông báo kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức công dân, tích hợp với hệ thống tổng hợp, thu thập trực tuyến ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC tại các CQNN thành phố.

Hiện nay có tổng số 452 cơ quan, đơn vị đã được triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành bao gồm 22 sở, ngành; 23 đơn vị trực thuộc UBND thành phố và trực thuộc sở ngành; 06 tổ chức chính trị - xã hội; 09 UBND quận, huyện, 126 đơn vị trực thuộc và phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; 85 UBND xã, phường, thị trấn và 181 đơn vị được triển khai mở rộng để sử dụng chức năng gửi và nhận văn bản điện tử liên thông tại bộ phận văn thư.

Tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) là 92% (441.042/479.393 văn bản); Tỷ lệ văn bản đi/đến giữa các CQNN của thành phố dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy là 95% (455.424/479.393 văn bản)

Với tổng số chữ ký số của toàn thành phố là 1.655 (trong đó: tổ chức là 411; cá nhân là 1.244). Việc sử dụng chữ ký số được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi nhận văn bản điện tử liên thông và phục vụ việc thanh toán điện tử qua hệ thống Kho bạc nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt đông ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính của thành phố cũng một số khó khăn hạn chế nhất đinh. Như nhiều hệ thống thông tin trong CQNN chủ yếu ở quy mô nhỏ, còn rời rạc, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng và kết nối các hệ thống thông tin của bộ ngành Trung ương và các cơ sở dữ liệu quốc gia; vẫn còn thiếu các phần mềm chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý các ngành, lĩnh vực; các dịch vụ nền tảng chia sẻ tich hợp dữ liệu, các cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử thành phố chưa được triển khai.

Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động trong tổ chức triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai ứng dụng CNTT nhất là việc chia sẻ dữ liệu.

Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan, đơn vị còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, cán bộ phụ trách CNTT chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm, vẫn còn hạn chế về kỹ năng chuyên môn.

Hạ tầng đảm bảo an toàn thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phòng chống virus chủ yếu mới chỉ triển khai ở mức đơn lẻ tại các máy trạm, chưa xây dựng được các hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát tập trung, các phương án bảo đảm an toàn thông tin chưa được triển khai đầy đủ.

Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn hạn chế, một bộ phận dân cư là người dân lao động, nông dân với khả năng sử dụng CNTT hạn chế, thiếu công cụ hỗ trợ ứng dụng CNTT, thói quen đến trực tiếp CQNN, nên ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, sử dụng các DVCTT của các CQNN cung cấp.

* Đính kèm báo cáo

Trung Hậu, phòng CCHC, XDCQ&CTTN