Trong thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính của lãnh đạo thành phố, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả. Trong năm 2021, thành phố Cần Thơ chính thức triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), hệ thống thông tin báo cáo cấp thành phố, góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của thành phố. Có thể thấy công tác chuyển đổi số gắn với hoạt động cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố trong thời gian qua được triển khai tích cực, đúng định hướng và đạt được một số kết quả thiết thực, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, chuyển đổi số trên địa bàn thành phố bước đầu đã gắn kết góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính được thuận lợi đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Một số kết quả nổi bật
Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển dữ liệu:
- Mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố Cần Thơ được hoàn thiện và đã triển khai đến 100% xã, phường thị trấn, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố Cần Thơ với băng thông 100 Mbps đảm bảo an toàn, bảo mật. Tỷ lệ cơ quan có mạng cục bộ (LAN) trên toàn thành phố đạt 100%; các hệ thống mạng đều được quan tâm bảo trì định kỳ phục vụ hiệu quả triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước các cấp, các ngành thành phố. 100% CBCCVC trong cơ quan nhà nước các cấp có máy tính sử dụng trong công việc;
- Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố như: Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống quản lý cán bộ công chức, viên chức; Cổng thông tin điện tử, email, quản lý văn bản và điều hành, hội nghị truyền hình... Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện thuê dịch vụ dự phòng Trung tâm dữ liệu thành phố nhằm phục vụ công tác dự phòng khả năng sự cố về an toàn thông tin có thể xảy ra. Góp phần cho công tác cải cách hành chính mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
- Nhằm phát triển các hệ thống nền tảng và phát triển dữ liệu, thành phố ban hành Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2021 phê duyệt nâng cấp Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Cần Thơ lên phiên bản 2.0. Trong năm 2021, thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Bộ Công an triển khai Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; triển khai xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP); xây dựng kho dữ liệu dùng chung tích hợp sẵn sàng cho việc tích hợp, chia sẽ dữ liệu; đang triển khai xây dựng nền tảng quy hoạch không gian SPP phục vụ cho phục vụ công tác quản lý quy hoạch đô thị và phát triển thành phố thông minh.
Xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp:
Công tác cải cách hành chính để đảm bảo hiệu quả thiết thực đòi hỏi việc cung ứng các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp cần triển khai theo hướng điện tử hóa, số hóa các thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Hiện tại, thành phố đã triển khai 100% Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đủ điều kiện với 1.169 DVCTT và đã tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia với hơn 909 TTHC, liên thông từ Cổng Dịch công quốc gia với Cổng Dịch vụ công thành phố. Trong quý I năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 đạt 55%, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021 (27%).
Xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ:
- Hệ thống thư điện tử: Hệ thống thư điện tử thành phố đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu trao đổi thông tin trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị. Tính đến nay có 100% CBCCVC thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử;
- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành: Thành phố Cần Thơ đã triển khai hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc đến 100% các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã với 519 cơ quan, đơn vị. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được hỗ trợ cài đặt trên thiết bị di động có tích hợp chữ ký số tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, công chức xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi. Theo thống kê trong quý, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố là 94.038/97.956 văn bản đạt tỷ lệ trên 96% góp phần cho công tác cải cách hành chính được thuận lợi;
- Triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng: tổng số chữ ký số của toàn thành phố thời điểm hiện tại là 2.622 (trong đó: 455 tổ chức, 2167 cá nhân trong đó 330 cá nhân đã được cấp SIM PKI để sử dụng trên các thiết bị di động). Việc sử dụng chữ ký số được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi nhận văn bản điện tử liên thông và phục vụ việc thanh toán điện tử qua hệ thống Kho bạc nhà nước.
Những tồn tại, hạn chế
- Mặt dù công tác triển các cơ sở dữ liệu dùng chung đã đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác công tác cải cách hành chính; tuy nhiêu một số cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung quốc gia chậm được triển khai (như CSDL về lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, xây dựng…) và chưa có chia sẻ, kết nối với địa phương (CSDL dân cư…). Một số CSDL chuyên ngành của thành phố (Y tế, Giáo dục, Giao thông Vận tải…) còn rời rạc, dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ, thiếu chính xác, chưa tích hợp chưa tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung của thành phố để chia sẻ dữ liệu dùng chung điều này ảnh hưởng chung đến công tác cải cách hành chính của thành phố.
- Trang thiết bị máy tính, thiết bị CNTT trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ cho công chức, viên chức đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, đặt biệt là sử dụng để vận hành các phần mềm còn chậm dẫn đến gặp khó khăn trong việc triển khai ứng dụng CNTT, công tác số hóa văn bản, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
- Việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước tại một số cơ quan, địa phương chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, còn một số ít cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo chưa tham gia xử lý, giải quyết công việc trên môi trường mạng; còn một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức công tác an toàn thông tin mạng.
Giải pháp trong thời gian tới
Có thể nói, trong thời gian tới, giải pháp đột phá cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thành phố Cần Thơ là chuyển đổi số nhanh chóng và toàn diện nền hành chính công. Mục tiêu hướng đến là tạo được nền tảng số để người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với chính quyền không cần phải trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước mà giao dịch trực tiếp qua mạng. Vì vậy, trong thời gian tới thành phố cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung sau:
a) Thành phố chỉ đạo các ngành cần tăng cường phát triển chính quyền số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nhà nước dựa trên môi trường số, giúp cho việc chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng, thuận lợi, tăng cường công khai tính minh mạch trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị (dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, giáo dục ....) về Kho dữ liệu của thành phố phục vụ chia sẽ cho các cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh thanh phố Cần Thơ phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Thực hiện tích hợp kết nối và vận hành công cụ thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí; thiết lập Kho dữ liệu số cá nhân về thủ tục hành chính; thiết lập, tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu vào Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử để giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân.
d) Triển khai và thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; Ký số, lưu trữ điện tử lâu dài và xác thực tài liệu điện tử; Ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử.
đ) Song song với lộ trình thực hiện chuyển đổi số, cần phải tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính; tiếp tục xây dựng quy trình xử lý hồ sơ theo quy chuẩn, nhất là hồ sơ liên quan đến dịch vụ công, các chủ trương đầu tư, các dự án triển khai; đồng thời phát huy tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; từng cơ quan cần phải đẩy nhanh chuyển đổi số./.
Việt Uyên