Công tác cải cách hành chính (CCHC) trong 6 tháng đầu năm 2024 của thành phố Cần Thơ tiếp tục được Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và UBND thành phố quan tâm chỉ đạo, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Kết quả nổi bật ở một số nội dung như sau:
Về các hoạt động chỉ đạo, điều hành nổi bật
Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, công tác CCHC luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND thành phố. UBND thành phố ban hành Quyết định số 4168/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2021 về ban hành Kế hoạch công tác CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2021 về phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác CCHC nhà nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025;
Ngày 31 tháng 12 năm 2021, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 26-CTr/TU về cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ. UBND thành phố đã có Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình số 26-Ctr/TU của Thành ủy, phân công nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho các ngành, các cấp triển khai thực hiện.
Thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC và Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban tại Quyết định số 796/QĐ-UBND ngày 04/4/2024 của Chủ tịch UBND thành phố về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ.
Ngày 27 tháng 02 năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2023 của sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện và triển khai các văn bản liên quan đến công tác CCHC. Theo đó, có 10 đơn vị xếp loại Rất Tốt, 17 đơn vị xếp loại Tốt, 02 đơn vị xếp loại Khá. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố trao tặng Bằng khen cho 05 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CCHC năm 2023.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển Đổi số thành phố phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công bố chỉ số CCHC năm 2023
Ngày 22 tháng 4 năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố ban hành văn bản số 1526/UBND-NC về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước cá cấp. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành và địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ban, ngành, của Thành ủy, UBND thành phố để hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, đóng góp thiết thực và nỗ lực phần đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024 và các năm tiếp theo; Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành; thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát; thực hiện nghiêm quy định về thời hạn xử lý công việc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Đoàn Kiểm tra CCHC kiểm tra công tác CCHC tại Công an thành phố Cần Thơ
Tiến độ thực hiện Kế hoạch CCHC năm 2024
Kế hoạch CCHC năm 2024 của thành phố xác định 35 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể giao cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện. Đến nay các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các nội dung trong kế hoạch CCHC năm 2024 đã chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện 18/35 nhiệm vụ, hoạt động (đạt tỷ lệ 51,43%); những nhiệm vụ, hoạt động còn lại đang triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm theo tiến độ đề ra.
Về công tác kiểm tra CCHC
UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2023 về công tác kiểm tra CCHC năm 2024, thành lập Đoàn Kiểm tra CCHC thành phố, kiểm tra đợt 01 vào tháng 4 năm 2024 tại 06 cơ quan, đơn vị (03 sở, ngành, 01 cơ quan ngành dọc, 02 huyện).
Ngoài ra, thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì kiểm tra đột xuất việc chấp hành Quy chế văn hóa công sở, thực hiện giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức và công dân. Sở Nội vụ đã tổ chức kiểm tra đột xuất kỷ luật, kỷ cương hành chính tại tại 27 cơ quan, đơn vị (bao gồm: 02 sở, ban ngành, 04 Bộ phận Một cửa UBND quận, 21 UBND xã, phường, thị trấn).
Tổ kiểm tra đột xuất CCHC kiểm tra đột xuất tại UBND xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền
Qua kiểm tra ghi nhận hầu hết các đơn vị, cán bộ, công chức đều chấp hành tốt các quy định về thời gian, giờ giấc làm việc; đeo thẻ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ đúng quy định; các đơn vị đã thực hiện tốt việc rà soát, xây dựng, ban hành mới các quy chế, quyết định phân công nhiệm vụ, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số đơn vị chấp hành quy định về thời gian, giờ giấc làm việc chưa nghiêm; hạn chế trong việc cập nhật, niêm yết các thủ tục hành chính mới và niêm yết nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; hạn chế trong việc xây dựng, theo dõi lịch làm việc hàng tuần của lãnh đạo cơ quan, đơn vị; Tổ kiểm tra đã có kiến nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Về công tác thông tin, tuyên truyền CCHC
UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2023 về công tác thông tin, tuyên truyền CCHC. Trong đó, xác định 15 hoạt động tuyên truyền; tùy theo tình hình thực tế, thành phố áp dụng hình thức tuyên truyền trực tiếp hoặc trực tuyến để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.
Báo Cần Thơ thực hiện thực hiện 350 tin, bài; 16 video tuyên truyền; Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố thường xuyên thực hiện các chuyên đề về CCHC; Sở Nội vụ phát hành 23 bản tin điện tử về CCHC; đăng tải 280 tin, bài trên Trang tin điện tử CCHC thành phố; triển khai kế hoạch tổ chức thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chuyển đối số trong hoạt động quản lý, điều hành của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; tổ chức 03 cuộc Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện cải cách hành chính tại 03 cụm quận, huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại Lễ khai mạc Cuộc thi ứng dụng CNTT&CĐS dành cho lãnh đạo quản lý năm 2024
Các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục duy trì và thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền CCHC: Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện in và phát hành 15.000 tờ gấp thông tin, tuyên truyền liên quan đến công tác CCHC. Thông qua nhóm Zalo, Sở cung cấp nhanh văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC năm 2024 của thành phố đến các cơ quan báo chí địa phương, Trung ương đóng trên địa bàn, Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện kịp thời thông tin, tuyên truyền đến người dân; Sở Tư pháp thực hiện soạn, biên tập trên 250 bản tin liên quan đến các văn bản pháp luật, sự kiện, các ngày lễ lớn... Đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến do các sở, ban, ngành chủ trì soạn thảo lên Trang thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật thành phố; xây dựng trên 40 video clip “Một phút để hiểu biết pháp luật”; Xây dựng 11 tờ gấp; biên soạn được 98 câu hỏi tình huống và giải đáp pháp luật về chương trình CCHC lĩnh vực giám định bảo hiểm y tế và thu bảo hiểm tự nguyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, trang thông tin chuyển đổi số tại địa chỉ https://chuyendoiso.cantho.gov.vn đã đăng tải hơn 20 tin, bài viết về công tác chuyển đổi số của thành phố, đồng thời chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Cổng thông tin điện tử thành phố cũng được cập nhật tin, bài thường xuyên. Bên cạnh đó, hằng năm thành phố đều đặt hàng xây dựng 26 chương trình “Chuyển đổi số” với thời lượng 10 phút/chương trình, được phát sóng định kỳ 02 số/tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ và được phát lại trên nền tảng Youtube Cần Thơ TV và Hệ thống Đài truyền thanh cơ sở.
Ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác CCHC tại cụm số 02 (Thốt Nốt-Cờ Đỏ-Vĩnh Thạnh)
Giải pháp mới trong CCHC
Ngày 29 tháng 12 năm 2021, UBND thành phố ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác CCHC nhà nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021- 2025. Qua đó, phát huy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương của CBCCVC, người lao động; tạo động lực, sức mạnh, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; trọng tâm thi đua về CCHC, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, sáng kiến về CCHC, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC trong thời gian tới; phấn đấu thực hiện tốt Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn thành phố.
- Ủy ban nhân dân quận Bình Thủy thí điểm, nhân rộng và triển khai thực hiện là Mô hình “Không ngày hẹn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đối với lĩnh vực hộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân phường Trà Nóc”, công chức tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra hồ sơ, thủ tục hành chính đầy đủ sẽ trả kết quả ngay trong ngày, không cần hẹn; đồng thời, phân công công chức hỗ trợ người dân, tổ chức ghi mẫu tờ khai giúp cho việc giải quyết hồ sơ được nhanh chóng hạn chế tình trạng ghi sai thông tin, ghi không đúng biểu mẫu và hướng dân người dân nộp hồ sơ dịch công trực tuyến góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong Nhân dân. Kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 đã phát sinh 131 hồ sơ (xác nhận tình trạng hôn nhân: 123 hồ sơ, đăng ký khai sinh cho người có hồ sơ giấy tờ cá nhân: 08 hồ sơ).
- Ủy ban nhân dân quận Ô Môn triển khai thực thực hiện sáng kiến tại quận như: Phòng Tư pháp quận thực hiện giải pháp: Tăng cường thực hiện quy trình
liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06; Ủy ban nhân dân phường Thới Hòa, quận Ô Môn xây dựng và tổ chức thực hiện 02 sáng kiến: Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân phường Thới Hòa về cuộc thi tìm hiểu về công tác cải cách hành chính và thực hành nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường Thới Hòa năm 2024 và Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân phường Thới Hòa, Phối hợp Viettel Xây dựng Phần mềm ứng dụng theo dõi, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức phường; Ủy ban nhân dân Phường Châu Văn Liêm thực hiện 02 giải pháp, sáng kiến: Thực hiện tờ bướm tuyên truyền; tiếp nhận và giải quyết 100% hồ sơ phát sinh thuộc 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông theo Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 20/10/2020 của UBND thành phố Cần Thơ và thực hiện trao Giấy chứng nhận kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường; Ủy ban nhân dân phường Thới An thực hiện sáng kiến: Mô hình “Ngày không hẹn, nộp hồ sơ trực tuyến và trả kết quả trước hạn 100%”...
Đoàn học tập kinh nghiệm CCHC năm 2024 của thành phố Cần Thơ học tập kinh nghiệm tại tỉnh Khánh Hòa
Kết quả cải thiện các chỉ số liên quan đến công tác CCHC
Theo kết quả công bố, Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 của thành phố Cần Thơ đạt 83,12%, xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 4,02%, tăng 13 bậc so với năm 2022 (hạng 36). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023 của thành phố Cần Thơ đạt 40,17 điểm, xếp hạng 53/61 tỉnh, thành phố, tăng 0,244 điểm và tăng 02 bậc so với năm 2022 (hạng 55). Chỉ số CCHC thành phố Cần Thơ năm 2023 đạt 86,15% (tăng 0,04% so với năm 2022), xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 16 bậc so với năm 2022 (hạng 26); xếp thứ 6/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giảm 2 bậc so với năm 2022), thứ 5/5 thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 1 bậc so với năm 2022).
Chỉ số CCHC năm 2023 của Cần Thơ tăng điểm nhưng lại giảm về thứ hạng so với năm 2022, do ba nguyên nhân sau:
Một là, kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của CBCC lãnh đạo, quản lý của thành phố về công tác CCHC thấp
Chỉ số CCHC có tối đa 33,5 điểm từ kết quả điều tra xã hội học, gồm điểm từ kết quả chỉ số SIPAS (tối đa 10 điểm) và điểm từ kết quả khảo sát đội ngũ CBCC lãnh đạo, quản lý (tối đa 22 điểm). Năm 2023, thành phố Cần Thơ đạt 17,58 điểm trong tổng số 22 điểm, thuộc nhóm nhất (xếp thứ 51/63).
Cụ thể, điểm từ kết quả chỉ số SIPAS của Cần Thơ đạt 8,35/10 điểm. Tăng 13 bậc so với năm 2022, cho thấy các đối tượng bên ngoài là người dân, tổ chức có những đánh giá cao về kết quả CCHC của thành phố. Niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách CCHC của thành phố; kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Ngược lại, điểm đạt được qua khảo sát ý kiến của cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý của thành phố có tăng điểm nhưng không cao. Cụ thể tăng 0,43 điểm, xếp hạng 51/63 tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy kỳ vọng của CBCC lãnh đạo, quản lý ở HĐND thành phố, sở, ngành thành phố và UBND quận, huyện đối với tác động của CCHC là rất lớn.
Hai là, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội không đạt yêu cầu
Cần Thơ chỉ đạt 3,04 điểm trong tổng số 6,5 điểm về kết quả đánh giá tác động của CCHC đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Nguyên nhân mất điểm chủ yếu do thành phố không đạt được các tỷ lệ theo yêu cầu đánh giá. Có thể thấy tiêu chí tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển Kinh tế - Xã hội là thấp điểm nhất. Trong đó các tiêu chí thành phần không đạt điểm hoặc đạt điểm rất thấp là Không tăng số vốn thu hút đầu tư của thành phố so với năm 2022; Không tăng Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; Không tăng số vốn đăng ký của doanh nghiệp (tăng cao hơn 10% thì mới đạt điểm); thực hiện thu ngân sách theo kế hoạch được Chính phủ giao thuộc nhóm vị trí 31 đến 50 so với 63 tỉnh thành (vượt chỉ tiêu từ 4% trở lên mới đạt điểm tối đa); mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND thành phố giao có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, dưới 90% (từ 90% trở lên mới có điểm).
Ba là, một số nguyên nhân chủ quan trong thực hiện CCHC
Năm 2023, một số lĩnh vực đạt trên 90% nhưng vẫn có giảm điểm so với năm 2022. Cụ thể như Công tác chỉ đạo điều hành, mặc dù thành phố thực hiện rất tốt, nhưng có 01 nhiệm vụ chưa hoàn thành, do đó giảm 0,3% so với năm 2022; Cải cách thể chế giảm 1,39% điểm do có 01 báo cáo trễ hạn; Cải cách TTHC giảm 1,94% điểm do tỷ lệ hồ sơ TTHC đồng bộ, công khai; giải quyết TTHC còn trễ hạn ở 3 cấp chính quyền, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của cơ quan chuyên môn, cấp huyện, cấp xã chưa đạt tỷ tốt còn thấp (Đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt điểm đánh giá từ tốt trở lên: 5/19 = 26,32%; Của UBND cấp huyện đạt điểm đánh giá từ tốt trở lên: 6/9 = 66,67%; Của cấp xã đạt điểm đánh giá từ tốt trở lên: 67/83 = 80,72%).
Giải pháp cải thiện các chỉ trong năm 2024
Một là, tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số nêu trên để phân tích, đánh giá sâu các nội dung đánh giá, từ đó khắc phục triệt để các hạn chế, khó khăn, vướng mắc để cải thiện các tiêu chí bị đánh giá thấp và xây dựng kế hoạch để phân công cụ thể các nhiệm vụ đối với từng cơ quan, đơn vị nhằm cải thiện và nâng cao các chỉ số của thành phố năm 2024;
Hai là, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch phối hợp giữa UBND thành phố và UBMTTQ thành phố về phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cải thiện và nâng cao chỉ số; đồng thời, tổ chức theo dõi, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục và nâng cao các chỉ số.
Ba là, tiếp tục triển khai tuyên truyền cho chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các nội dung về dân chủ cơ sở. Tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC. Thực hiện đúng quy định trong giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn.
Bốn là, tăng cường các hoạt động kiểm tra nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức tự đặt thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định, gây khó dễ, nhũng nhiễu, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các quy trình, quy định về hướng dẫn, bổ sung hồ sơ, không để người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần; thực hiện nghiêm, kịp thời các quy định về thông báo và xin lỗi đối với trường hợp hồ sơ quá hạn.
Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của thành phố và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng các dịch vụ công... Đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường đối thoại; tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước.
H.Phụng