Kết quả chủ yếu đạt được trong thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

 

Trong thời gian qua, cải cách hành chính luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm xây dựng hệ thống cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố thường xuyên đưa nội dung cải cách hành chính vào nghị quyết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố và cụ thể hóa bằng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Liên tục trong năm 2013 và 2014, thành phố đã chọn chủ đề năm là “CCHC, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở”. Năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố. UBND thành phố đã ban hành văn bản triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp tổ chức thực hiện. Từ đó, đã giúp nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố về thực hiện cải cách hành chính.

Các kết quả nổi bật về công tác CCHC trong 10 năm qua

Nhìn lại, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, sự quyết tâm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố cùng với sự phối hợp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tựu như sau:

Thứ nhất, nhận thức của các ngành, các cấp về công tác CCHC ngày càng được nâng cao. Thành phố đã tổ chức triển khai kịp thời, sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản có liên quan đến công tác CCHC. Việc phổ biến, quán triệt Chương trình tổng thể được thực hiện thường xuyên, đi vào chiều sâu bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: hội nghị, hội diễn, sân khấu hóa, cuộc họp nội bộ, hội thi tuyên truyền lưu động... Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ CBCCVC, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC đến sự ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai CCHC, nhiều mô hình, sáng kiến đã được các ngành, các cấp mạnh dạn triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả cao như mô hình Đội tình nguyện viên hướng dẫn thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận, phường; mô hình thí điểm niêm yết các mẫu ghi thủ tục hành chính; thực hiện mở rộng liên thông thủ tục hành chính về thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc với điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu trên địa bàn thành phố Cần Thơ; mô hình ”Ngày không viết” tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Thực hiện lắp đặt camera quan sát tại Bộ phận Một cửa quận, huyện, xã, phường, thị trấn để giám sát giờ giấc làm việc, thái độ phục vụ của CBCC làm việc tại Bộ phận một cửa, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Tổ chức các diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo UBND quận, huyện với người dân về thủ tục hành chính. Triển khai bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền CCHC với nội dung, hình thức tuyên truyền CCHC phong phú, đa dạng, đảm bảo tính thời sự, chính xác, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2020: Sở Nội vụ tổ chức thi kiến thức tin học cho 1.009 lượt CBCCVC; khảo sát kiến thức CCHC cho 4.577 lượt CBCCVC; hướng dẫn thực hiện niêm yết TTHC tại 238/630 ấp, khu vực thuộc 09 quận, huyện. Định kỳ hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các ngành, các cấp với doanh nghiệp, UBND quận, huyện tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo UBND quận, huyện với người dân về TTHC. Sở Tư pháp biên tập, in ấn và phát hành 1.136.000 tờ gấp và 21.000 quyển sổ tay tuyên truyền về các lĩnh vực TTHC. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố thực hiện trung bình 08 lượt tin mỗi tuần, 05 phóng sự và 02 phản ánh mỗi tháng trong giai đoạn 2011 - 2020. Báo Cần Thơ thực hiện chuyên trang CCHC phát hành vào ngày thứ năm hàng tuần, đăng tải hơn 1.500 tin; 750 bài (gồm bài phản ánh, điều tra, sổ tay, diễn đàn, hướng dẫn TTHC…); hơn 800 ảnh về lĩnh vực CCHC.

Chương trình Gặp gỡ và Đối thoại trên Đài Phát thanh và truyền hình thành phố Cần Thơ

Đồng thời, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác cải cách hành chính, hàng năm UBND thành phố thành lập Đoàn Kiểm tra CCHC do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng đoàn. Từ năm 2011 đến nay, đã tiến hành kiểm tra định kỳ ở 148  đơn vị. Ngoài ra, Tổ Kiểm tra đột xuất về CCHC do Giám đốc Sở Nội vụ thành lập, từ năm 2012 đến 2019 đã kiểm tra tại 467 cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra đã đánh giá được ưu điểm, hạn chế, tồn tại của sở, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, kịp thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của sở, ngành, địa phương để có cơ sở chỉ đạo, giải quyết kịp thời; đồng thời, biểu dương, động viên những đơn vị làm tốt và phát hiện những sai phạm để có những chấn chỉnh trong quá trình thực hiện.

Kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại Sở Giao thông vận tải

Thứ hai, chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao rõ rệt qua công tác kiểm soát, rà soát, đơn giản hóa TTHC. Từ năm 2015 đến ngày 31/3/2020, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá 203 TTHC thuộc 14 lĩnh vực, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 28 VBQPPL với 78 TTHC đạt tỷ lệ cắt giảm trung bình là 16,59% và tổng số tiền tiết kiệm được khoảng 3,5 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu các giải pháp, sáng kiến, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao công tác cải cách TTHC trên địa bàn như Sở Tư pháp rút ngắn 50% thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người có năm sinh sau ngày 01/7/1996; Sở Xây dựng rút ngắn 50% thời gian cấp Giấy phép xây dựng; Quận Ninh Kiều thực hiện kết hợp giải quyết TTHC đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế, giảm thời gian và số lần đi lại của người dân,...

Người dân sử dụng hệ thống đánh giá việc giải quyết TTHC (trên Ipad) tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Vĩnh Thạnh

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC và xác định rõ thời gian thực hiện mỗi TTHC ở từng cơ quan, đơn vị. Từ năm 2019 đến nay, định kỳ hàng quý, thành phố đã thực hiện chấm điểm đánh giá, phân loại, xếp hạng đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp và UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, 100% cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC (19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 09 quận, huyện và 83 xã, phường, thị trấn). Đặc biệt, từ ngày 01 tháng 6 năm 2017, thành phố đã triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tại 65 điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Qua thống kê cho thấy lượng hồ sơ giao dịch tăng dần qua các năm (năm 2017, Bưu điện tiếp nhận và chuyển trả kết quả 41.590 hồ sơ, đến năm 2019 tăng lên 93.564 hồ sơ).

Thứ ba, tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW; Quyết định số 2218/QĐ-TTg, thành phố ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND về rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp giai đoạn đến năm 2021. Kết quả,  đã thực hiện sắp xếp giảm 11 phòng chuyên môn thuộc các cơ quan hành chính cấp thành phố; sắp xếp, kiện toàn giảm 35 đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Chương trình số 27-CTr/TU và Chương trình số 28-CTr/TU của Thành ủy, thành phố đã ban hành Quyết định số 2980/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2018 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính (giai đoạn đến năm 2020) và Quyết định số 2981/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2018 phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (giai đoạn đến năm 2020). Theo đó, kết quả đến nay, thành phố cơ bản đạt tiến độ đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo lộ trình đề ra, cụ thể: thực hiện sắp xếp, kiện toàn giảm 33 phòng chuyên môn thuộc 18 sở ngành, 05 phòng thuộc Chi cục; giảm 53 đơn vị sự nghiệp, 33 điểm trường tiểu học và mầm non và 09 Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện. 

Về công tác tinh giản biên chế theo chủ trương Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, kết quả từ khi thực hiện đến tháng 5/2020,  các cơ quan hành chính đã tinh giản và cắt giảm 211/213 biên chế, giảm 9,9 % so với biên chế giao năm 2015 (đạt 99,06 % kế hoạch của giai đoạn 2015-2021); số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giản và cắt giảm 3.295/2.313 người, giảm 14,24% so với biên chế giao năm 2015 (đạt 142,45% kế hoạch của giai đoạn 2015-2021).

Thứ tư, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC có nhiều đổi mới; thành phố đã hoàn thành triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại 100% các cơ quan, đơn vị. Trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức 05 kỳ thi tuyển công chức, 02 kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính, tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đảm bảo đúng theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố thực hiện tốt các chủ trương thí điểm liên quan công tác cán bộ, đã tổ chức thành công việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại 03 đơn vị sự nghiệp, đã tổ chức thi tuyển và đã bổ nhiệm thông qua thi tuyển tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (02 Phó Giám đốc), Sở Tư pháp (01 Phó Giám đốc).

Chất lượng đội ngũ CBCCVC thành phố có bước chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của thành phố luôn tạo được sự đồng thuận của các cấp, ngành. Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố đã tổ chức 477 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 57.400 cán bộ, công chức, viên chức tham gia tập huấn, bồi dưỡng. Qua kết quả mở lớp hàng năm, kỹ năng thực thi công vụ theo vị trí việc làm của CBCCVC được nâng lên rõ rệt; góp phần nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Thành phố cũng tăng cường áp dụng các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong quản lý đội ngũ CBCCVC. Trên cơ sở quy định và chủ trương của Trung ương, thành phố Cần Thơ đã triển khai ứng dụng phần mềm thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và đã đạt được một số kết quả tích cực: tiết kiệm thời gian và chi phí trong công tác tổ chức góp phần đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong công tác thi tuyển. Đối với việc quản lý thông tin đội ngũ CBCCVC dựa trên các phần mềm quản lý, theo đó, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Tăng cường tác động của CCHC ở thành phố Cần Thơ” giai đoạn 2012 - 2016, thành phố Cần Thơ đã triển khai sử dụng Phần mềm quản lý thông tin CBCCVC đến tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ. Hiện nay, phần mềm đã được triển khai và đang sử dụng ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc UBND thành phố Cần Thơ, với 25.693 hồ sơ đã được cập nhật (bao gồm cán bộ, công chức thành phố, viên chức sự nghiệp y tế, giáo dục và cán bộ, công chức cấp xã). Đến nay, phần mềm đã hỗ trợ rất lớn trong việc theo dõi thông tin, quản lý số lượng, chất lượng CBCCVC của thành phố; việc quản lý thông tin ngày càng được chặt chẽ, nhanh chóng và chính xác; đồng thời, công tác báo cáo thống kê đa dạng, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của bộ, ngành Trung ương và địa phương, qua đó tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và công sức.

Thứ năm, ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý của các cơ quan, tổ chức của thành phố đã góp phần tạo sự minh bạch, “thông suốt” của cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi để triển khai thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian tới. Thành phố đã triển khai, quản lý, vận hành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông các cấp, hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử phục vụ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chí phí, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, chữ ký số được cấp cho 100% tổ chức và lãnh đạo có thẩm quyền ký, với tổng số chữ ký số của toàn thành phố là 1.742 (trong đó: 421 tổ chức, 1.321 các nhân); đồng thời, thí điểm sử dụng chữ ký số trên SIM thiết bị di động. Thành phố đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho 100% cơ quan nhà nước từ thành phố đến cấp xã với 466 cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) đạt 92%; Tỷ lệ văn bản đi/đến giữa các cơ quan nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy đạt 95%.

Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố được với kết nối với Cổng dịch công Quốc gia. Tổng số dịch vụ công trực tuyến được cung cấp là 1.860, riêng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 là 901 (chiếm tỷ lệ 48%). Tổng số hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến mức 3 và 4 đạt tỷ lệ 31%. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa điện tử đạt trên 95% so với thực tế. Tỷ lệ cấp doanh nghiệp qua mạng đạt 50,41%. Năm 2019, có 8.519 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt 99,32%, tỷ lệ số tiền nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt 97,78% trên tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách.

Giao diện Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Cần Thơ

Đặc biệt, kết quả thực hiện CCHC 10 năm qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố và đưa thành phố vươn lên top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số CCHC, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, làm cho mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với Nhân dân có tiến bộ, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân. Cụ thể, Chỉ số CCHC xếp hạng 5 liên tục trong năm 2014 và 2015, xếp hạng 6 năm 2018; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công xếp hạng 2 năm 2015, hạng 1 năm 2016, hạng 8 năm 2018 và 2019; Chỉ số năng lực cạnh tranh xếp hạng 12 năm 2012, năm 2017 xếp hạng 10, năm 2018, 2019 xếp hạng 11. Tỷ lệ hài lòng của người dân qua khảo sát tăng dần qua các năm (năm 2015: 79,36%,  năm 2017: 79,88%, năm 2019: 87,33%).

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác cải cách hành chính của thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể là:

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát CCHC của người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn thiếu sự đồng bộ, thiếu kiểm tra, giám sát và chưa thật sự quyết liệt nên chưa đề ra và triển khai được các giải pháp thực hiện có hiệu quả;

b) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu bảo mật, khả năng chịu tải chưa cao, tốc độ truy xuất dữ liệu và tính đồng bộ của hệ thống còn hạn chế, điều này ảnh hưởng đến triển khai hệ thống thông tin trong thời gian qua;

c) Hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Nguyên nhân là do hệ thống phần mềm dịch vụ công chưa ổn định, vẫn còn nhiều lỗi gây khó cho người dân khi thực hiện. Mặt khác, người dân vẫn quen với hình thức giao dịch tại bộ phận một cửa của cơ quan hành chính;

d) Vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, một số đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm việc xin lỗi khi hồ sơ trễ hẹn, mặc dù thành phố đã có nhiều chỉ đạo thực hiện.

Định hướng CCHC trong thời gian tới

Trong giai đoạn tới, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Do đó, để tiếp tục phát huy những kết quả được, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, trong giai đoạn 2020-2025, thành phố Cần Thơ cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về công tác cải cách hành chính, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nhận thức rõ cải cách hành chính là một trong nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo lập sự thông thoáng về môi trường đầu tư, tăng cường sự gắn bó giữa cơ quan nhà nước với nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng đối với công tác cải cách hành chính, nhất là những công việc trọng tâm, những mặt còn yếu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của các ngành, các cấp, các đơn vị trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính.

Ba là, tăng cường sự chủ động phối hợp của các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, rút ngắn thời gian thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công vụ. Tăng cường kiểm tra đột xuất về kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương

Bốn là, thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không đủ phẩm chất, đạo đức, không đủ trình độ, năng lực thực thi công vụ, có dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; lựa chọn, bổ nhiệm, phân công những cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, trung thực, trong sạch, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định tại các cơ quan, đơn vị.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp hồ sơ và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; thay đổi hình thức, nội dung tuyên truyền để tiếp cận người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn./.

Việt Uyên - Sở Nội vụ