Ngày 25 tháng 5 năm 2022, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chỉ số SIPAS được xác định trên cơ sở khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố, ở cả 3 cấp hành chính (gồm sở, ngành thành phố, UBND cấp huyện, UBND cấp xã), với tổng số mẫu khảo sát là 33.000 phiếu. Chỉ số SIPAS bao gồm 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: (1) tiếp cận dịch vụ hành chính của của cơ quan hành chính nhà nước; (2) TTHC (TTHC); (3) công chức trực tiếp giải quyết TTHC; (4) kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; (5) việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Bộ tiêu chí xác định SIPAS gồm có 24 tiêu chí tương ứng với 5 yếu tố cơ bản nêu trên. Ngoài ra, còn có các tiêu chí đánh giá của người dân, tổ chức về việc cung ứng dịch vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tiêu chí đo lường sự mong đợi của người dân, tổ chức (mỗi người dân, tổ chức được đề nghị đưa ra 03 nội dung mong đợi nhất đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc ưu tiên cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ).
Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì, ký các chương trình phối hợp và ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn triển khai điều tra xã hội học. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện phát, thu phiếu điều tra xã hội học, với đội ngũ là các nhân viên của Bưu điện tỉnh, huyện, xã.
Theo kết quả công bố, Chỉ số SIPAS 2021 nói chung của cả nước năm 2021 là 87,16%; trong đó tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất là Quảng Ninh đạt 94,07%; tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Cao Bằng (đạt 82,79% ).
Chỉ số SIPAS năm 2021 của thành phố Cần Thơ đạt 85,54%, xếp vị trí thứ 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,4% và giảm 10 bậc so với năm 2020. Cần Thơ cũng là một trong những địa phương nhận được sự hài lòng của người dân tổ chức tăng bền vững điểm qua mỗi năm tính từ khi triển khai thực hiện đánh giá chỉ số này (từ 2017 đến 2021); tuy nhiên, xét về thứ hạng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước thì Cần Thơ vẫn thuộc nhóm thấp.
Biểu đồ 1. Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính của Cần Thơ từ năm 2017 đến năm 2021
So với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ xếp vị trí thứ 5/5, giảm 2 bậc so với năm 2020.
So với các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Cần Thơ đạt hạng 10/13 các tỉnh, thành, giảm 3 bậc so với năm 2020. Ba địa phương dẫn đầu khu vực này là Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cà Mau.
Biểu đồ 3. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2021
Kết quả chi tiết của các chỉ số thành phần cụ thể như sau:
Nhìn chung, Chỉ số SIPAS 2021 mang đến bức tranh khá toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức, từ việc tiếp cận dịch vụ của người dân, việc công khai và tuân thủ các quy định TTHC, việc giao tiếp và xử lý công việc với người dân, tổ chức của đội ngũ công chức đến chất lượng kết quả cung ứng dịch vụ mà người dân, tổ chức nhận được và việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến việc cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước.
Chỉ số SIPAS 2021 là một công cụ quan trọng để đánh giá khách quan kết quả CCHC nói chung và kết quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan hành chính nói riêng, giúp các cơ quan hành chính nhà nước thấy được các tồn tại về chất lượng dịch vụ hành chính công và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức; từ đó có các điều chỉnh phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại.
Kết quả SIPAS 2021 cho thấy Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của Cần Thơ tăng về điểm số và nhưng chưa cải thiện thứ hạng so với năm 2020; do đó, các ngành, các cấp cần nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm hơn nữa trong việc nâng cao trách nhiệm và hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức./.
Việt Uyên