Kết quả Chỉ số Cải cách hành chính năm 2021 của thành phố Cần Thơ

Ngày 25 tháng 5 năm 2022, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,37%, cao hơn 2,65% so với năm 2020 (đạt 83,72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%; 40/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, nhiều hơn các năm 2020 và 2019 lần lượt là 4 và 18 đơn vị; có 60 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020.

Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0,66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%). Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%.

Riêng thành phố Cần Thơ, Chỉ số CCHC năm 2021 của thành phố Cần Thơ đạt 84,97% (tăng 1,21% so với năm 2020), xếp hạng 51/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm 14 bậc so với năm 2020 (hạng 37), thuộc nhóm B các tỉnh, thành phố từ 80% - dưới 90%; xếp thứ 9/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giảm 3 bậc), thứ 5/5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả Chỉ số CCHC của Cần Thơ từ năm 2019 – 2021

Năm
đánh giá

Điểm BNV
thẩm định

(tối đa 60,5 điểm)

Điểm đánh giá tác động của CCHC

(tối đa 39,5 điểm)

PAR INDEX

(%)

Xếp hạng

SIPAS

(tối đa 10 điểm)

Khảo sát lãnh đạo quản lý

(tối đa 23,5 điểm)

Phát triển KTXH

(tối đa 6 điểm)

 

2019

51,35

7,95

17,70

4,25

81,15

29

2020

56,29

8,32

17,65

1,50

83,76

37

2021

56,67

8,54

17,50

2,25

84,97

51

 

Có 3/8 lĩnh vực tăng điểm gồm Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (+0,5%), Cải cách tài chính công (6,72%) và “Tác động của CCHC đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố (6,08%). Còn lại 8/8 lĩnh vực giảm nhẹ so với năm 2020 (từ 0,39% đến 1,27%): Công tác chỉ đạo điều hành (giảm 1,02%), cải cách thủ tục hành chính (giảm 1,61%), cải cách tổ chức bộ máy (giảm 0,66%), xây dựng và nâng cao chất lượng CBCCVC (giảm 0,39%) và hiện đại hóa hành chính (giảm 1,27%). Có 02 lĩnh vực đạt chỉ số trên 90% (Công tác chỉ đạo điều hành, Cải cách TTHC; giảm 1 lĩnh vực so với năm 2020); 04 lĩnh vực đạt trên 80%, 01 lĩnh vực dưới 80% (cải cách hành chính công) và 01 lĩnh vực dưới 70% (tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế xã hội).

Nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, năm 2021, những nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC của một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố hay khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài, dẫn đến việc thực hiện một số nhiệm vụ CCHC và thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, khu vực này bị gián đoạn, kết quả hoàn thành thấp hơn so với các địa phương, vùng kinh tế bị ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn. Do đó, kết quả điểm và xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 cũng cho thấy có sự phân hóa khá rõ giữa các chỉ số thành phần; giữa các tỉnh, thành phố và giữa các khu vực kinh tế. Lĩnh vực nào hoặc địa phương, khu vực nào chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 thi thường có kết quả Chỉ số CCHC thấp hơn so với phần còn lại.

Với 33,5% số điểm của Chỉ số được đánh giá qua điều tra xã hội học với nhiều đối tượng khác nhau từ cán bộ, công chức, người dân và cả doanh nghiệp góp phần làm cho kết quả đạt được sát với thực tế hơn. Trong năm 2021, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ SIPAS của Cần Thơ tiếp tục tăng lên, cho thấy các đối tượng bên ngoài là người dân, tổ chức có những đánh giá cao về kết quả CCHC của thành phố. Niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách CCHC của thành phố; kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý vẫn còn mong đợi nhiều hơn nữa đối với việc triển khai nhiệm vụ CCHC./.

Việt Uyên