Hướng tới thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ đề “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)” với các địa phương. Phiên họp đã nêu những cách tiếp cận mới, cách làm mới có tính đột phá để tạo ra sự thay đổi căn bản về DVCTT của Việt Nam.

Lãnh đạo TP Cần Thơ, các sở, ngành thành phố dự Phiên họp trực tuyến chuyên đề “Thay đổi căn bản cung cấp DVCTT” tại điểm cầu của TP Cần Thơ.

Giám sát, đo lường chất lượng cung cấp DVCTT

Tại Phiên họp, ông Ðỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT đã giới thiệu dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá chất lượng DVCTT của các bộ, ngành, tỉnh. thành. Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất đến thời điểm tháng 3-2023, gồm 3 trụ cột: đánh giá chức năng, phản ánh mức độ đầy đủ các chức năng của cổng dịch vụ công; đánh giá hiệu năng, phản ánh thời gian đáp ứng khi người sử dụng truy cập giao diện trang chủ của cổng dịch vụ công và giao diện điền thông tin hồ sơ của 1 thủ tục hành chính; đánh giá khả năng truy cập thuận tiện.

Bộ TT&TT thông báo kết quả khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp DVCTT lần thứ nhất. Phạm vi đánh giá chất lượng cung cấp DVCTT từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ðoàn công tác liên ngành do Bộ TT&TT chủ trì, thành phần tham gia gồm Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã khảo sát trực tiếp tại 3 bộ, ngành và 9 địa phương từ ngày 1 đến 31-3-2023; đồng thời giám sát, đo lường, đánh giá trực tuyến (hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số của Bộ TT&TT đã kết nối trực tuyến tự động theo thời gian thực tới 100% các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh).

Trên cơ sở kết quả khảo sát, giám sát, đo lường trong tháng 3-2023, Bộ TT&TT tổng hợp và nhấn mạnh 10 nhóm vấn đề và 20 nhiệm vụ cụ thể để xử lý. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, cập nhật, bổ sung hoặc ban hành kế hoạch hành động năm 2023 để nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT; khẩn trương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; đồng thời đề nghị doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện nâng cấp, cập nhật lên phiên bản mới nhất.

Các bộ, ngành, địa phương cũng phải rà soát và lựa chọn các thủ tục hành chính đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương đảm bảo triển khai DVCTT toàn trình và một phần theo đúng quy định; các tỉnh, thành phố bảo đảm tối thiểu 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, tối thiểu 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới người đứng đầu từng sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn năm 2023. HÐND tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. HÐND hoặc UBND tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ðặc biệt, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy; chỉ đạo tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến thức, kỹ năng chuyên môn để bảo đảm phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích để hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cá nhân, tổ chức không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước nếu pháp luật không quy định; khẩn trương rà soát lại các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên 25 dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng để đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, lược bỏ các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận, thực hiện; khẩn trương thiết kế lại giao diện, trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên 25 dịch vụ công thiết yếu; đặc biệt chú trọng tới việc cung cấp thông tin hướng dẫn đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm, giúp người dân có thể tự hiểu và tự thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện…

Theo Bộ TT&TT, từ ngày 10-6-2023, Bộ chính thức đánh giá cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 địa phương và công bố kết quả vào cuối tháng 6-2023. Bộ đề nghị các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương cập nhật, nâng cấp phiên bản đang triển khai ở các bộ, tỉnh thành lên phiên bản mới nhất. Bộ sẽ đánh giá và công bố xếp hạng chất lượng giải pháp công nghệ do doanh nghiệp cung cấp.

Cần thay đổi căn bản cách cung cấp DVCTT

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết: Năm 2022, Hải Phòng xây dựng chương trình chuyển đổi số của thành phố; tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng, dữ liệu số, đồng thời đẩy mạnh chính quyền số. Hải Phòng đã triển khai chiến dịch tổng thể, với một loạt nhóm giải pháp đồng bộ, quyết liệt và liên tục; kết quả đã đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra. Hải Phòng giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình tới 35 sở, ban, ngành, quận, huyện và 217 xã, phường trên toàn thành phố. Hải Phòng cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; lập các đoàn công tác liên ngành xuống các bộ phận một cửa hướng dẫn thực hiện, kiểm tra và đánh giá, xếp hạng, tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh DVCTT. Ðến cuối năm 2022, tỷ lệ DVCTT trên toàn TP Hải Phòng đã đạt 62,2% (năm 2021 chỉ 18%) và trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt trên 94% (trong đó có 9 sở, ngành và 3 quận, huyện đạt tỷ lệ 100%)…

Tại TP Cần Thơ, để thống nhất chỉ đạo việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT gắn thực hiện chuyển đổi số với việc thực hiện Ðề án 06 của Chính Phủ, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số. Tính đến tháng 5-2023, tổng số DVCTT của thành phố là 1.383 (chiếm 74,8% tổng số TTHC), trong đó 1.108 DVCTT toàn trình (100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình) và 275 DVCTT một phần và đã tích hợp toàn bộ với cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến là 42%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là 32,28%.

Về hạ tầng công nghệ, Cần Thơ đã hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử và kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện Ðề án 06. Ngoài ra, đã triển khai kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức giúp lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa, và tái sử dụng lại khi người dân thực hiện DVCTT; đã kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số; phát triển một số tiện tích phục vụ người dân, doanh nghiệp như thực hiện DVCTT trên thiết bị di động, tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán trực tuyến, biểu mẫu, tờ khai điện tử, tiện ích cho tổ chức, cá nhân ký số từ xa...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho rằng, sau hơn 20 năm làm DVCTT, bây giờ là lúc thay đổi căn bản cách cung cấp DVCTT, thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận và cách làm, để tạo ra sự thay đổi căn bản DVCTT của Việt Nam. Hai cái căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng DVCTT là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh (trải nghiệm người dùng). Hai cái này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng DVCTT. Mục tiêu chung cho toàn quốc đến năm 2025 có trên 90% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình.

Thay đổi căn bản DVCTT Việt Nam là nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương. Bộ TT&TT đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, giới thiệu các bài học hay, cách làm tốt, hỗ trợ trực tiếp khi cần và đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn: baocantho.com.vn