Hướng tới “số hóa” ngành Tài nguyên và Môi trường

Xác định chuyển đổi số (CÐS) là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CÐS. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề liên quan lĩnh vực TN&MT.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ.

Thực hiện “số hóa” ngành TN&MT, theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, Sở đã xây dựng kế hoạch về CÐS ngành TN&MT thành phố đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và cụ thể hóa bằng kế hoạch hằng năm với nội dung bám sát mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị thuộc Sở. Ðể tổ chức triển khai và đôn đốc thực hiện, Sở cũng thành lập Ban Chỉ đạo CÐS của Sở. Bên cạnh đó, đã có văn bản hướng dẫn UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch CÐS của ngành và các nền tảng số dùng chung nhằm tạo sự phối hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, ngành TN&MT thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Theo đó, Sở TN&MT đã ban hành đầy đủ các kế hoạch về công tác cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ðồng thời, tích cực phối hợp với Văn phòng UBND thành phố thực hiện kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn đối với lĩnh vực đất đai. Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao thực hiện Ðề án 06 của Chính phủ. Theo đó đã triển khai thủ tục hành chính trong danh mục dịch vụ công thiết yếu đối với thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ). Trong quý I-2023 đã tiếp nhận và xử lý 128 hồ sơ trực tuyến đối với thủ tục này.

Sở TN&MT cũng tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện xây dựng nền tảng quy hoạch không gian thành phố (SPP) thuộc dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Ðến nay, đã hoàn thành hạng mục công việc chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền GIS 16 lớp dữ liệu của Sở TN&MT. Cùng đó, xây dựng, hoàn thiện Cổng dữ liệu nền tảng quy hoạch không gian thành phố phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đang vận hành thử nghiệm (tại địa chỉ https://gis.cantho.gov.vn) với các chức năng tra cứu thông tin đất đai, thông tin quy hoạch sử dụng đất... Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (dự án VILG) tiếp tục được triển khai tại 4 quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Phong Ðiền. Ðến nay đã đưa vào vận hành hệ thống quản lý đất đai VBDLIS tại 4 quận, huyện trên. Ðồng thời đã phối hợp Tập đoàn Viễn thông Viettel tiến hành chuyển đổi dữ liệu tại 2 đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính gồm quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống quản lý đất đai VBDLIS tại 6/9 quận huyện trên địa bàn...

Thành phố đang triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai. Chẳng hạn, dự án quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; dự án xây dựng hệ thống giám sát hoạt động khai thác cát trên lòng sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ; đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước trên địa bàn TP Cần Thơ. Thành phố đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đầu tư hệ thống trang thiết bị truyền nhận, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải và thiết bị giám sát, quản lý khối lượng chất thải rắn. Sở TN&MT hiện đang thiết kế, xây dựng trợ lý ảo hỏi đáp về thủ tục hành chính lĩnh vực TN&MT...

Hành trình “số hóa” ngành TN&MT TP Cần Thơ bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành TN&MT thành phố vẫn còn những khó khăn như một số trang thiết bị, máy móc, hệ thống phần mềm do sử dụng lâu năm nên xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng được việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm chuyên ngành tuy được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực phục vụ công tác CÐS còn thiếu…

Hướng tới mục tiêu CÐS nhằm đạt hiệu suất cao nhất trong công tác chuyên môn, phục vụ người dân và doanh nghiệp, ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: Ngành TN&MT thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến bằng nhiều hình thức như trên cổng thông tin điện tử của Sở, ứng dụng Zalo Offical... góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh CÐS lĩnh vực TN&MT, ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả CÐS theo kế hoạch đề ra...

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn: baocantho.com.vn