Hướng đến nền y tế thông minh

Ngành y tế Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng nền y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân, nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý ngành.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (bên trái, thứ ba), Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường nghe doanh nghiệp giới thiệu
các sản phẩm số hóa.

Bước tiến mới

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường, đây là thời điểm rất tốt thực hiện chuyển đổi số (CÐS). Hành lang pháp lý, hướng dẫn đã được ban hành từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2955/QÐ-BYT ngày 28-10-2022 phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 1928/QÐ-BYT ngày 21-4-2023 của Bộ Y tế Ban hành “Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.1”.

Với TP Cần Thơ, Ðề án số 08-ÐA/TU ngày 28-12-2021 của Thành ủy Cần Thơ và Kế hoạch hành động số 89/KH-UBND ngày 18-4-2022 của UBND TP Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP Cần Thơ”. Các đề án, kế hoạch đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm xây dựng nền y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân thành phố. Ðề án 08 có 3 mục tiêu chính đến năm 2030, hình thành y tế thông minh: Phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Các mục tiêu cụ thể: 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế đầy đủ các chức năng. 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai: Ðăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% bệnh viện hạng I triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Ðề án y tế thông minh, có các phần gồm: Hoàn thiện hệ thống thông tin y tế TP Cần Thơ; Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố; cơ sở dữ liệu y tế; cổng thông tin tích hợp dữ liệu y tế, hệ thống thư viện đào tạo và chỉ đạo tuyến trực tuyến; dịch vụ bệnh viện phòng khám thông minh và chăm sóc sức khỏe từ xa.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng các cơ sở y tế rất cố gắng thực hiện CÐS, nhất là triển khai thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Thí điểm thực hiện từ tháng 3-2023 tại 106 cơ sở y tế. Ðến nay có 1.033 tài khoản App Ourhealth; tổng số lượt khám chữa bệnh được liên thông trên 7 triệu lượt, tổng số nhân khẩu có hồ sơ sức khỏe trên 1.286.000 người, đạt 99,5%... Các trạm y tế thực hiện phần mềm V20 nhằm tổng hợp 23 chương trình y tế, tích hợp các phần mềm hiện nay ở trạm y tế vào 1 phần mềm. Các cơ sở y tế thực hiện kết nối liên thông dữ liệu thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, 100% cơ sở y tế có giường bệnh đã triển khai ít nhất 1 phương án thanh toán không dùng tiền mặt. Một số đơn vị đã thực hiện đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh online, qua điện thoại hoặc website...

Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập

Theo Sở Y tế thành phố, trình độ tin học của nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến xã, huyện chưa đáp ứng nhu cầu, đa số chỉ sử dụng được các ứng dụng tin học văn phòng cơ bản cũng như ứng dụng cơ sở tại đơn vị. Nhân sự chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế tuyến thành phố và quận, huyện còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, riêng tuyến xã không có nhân viên phụ trách công nghệ thông tin. Chất lượng cán bộ chuyên trách các chương trình chưa được nâng cao phù hợp với các ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm mới. Chỉ khoảng 70% cán bộ được bố trí máy tính. Tuy nhiên, máy tính, trang thiết bị đã được đầu tư từ rất lâu, nên đã xuống cấp, không đảm bảo tiến độ công việc cũng như đáp ứng được nhu cầu CÐS.

Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều đơn vị, cá nhân chưa theo kịp quá trình CÐS nhất là vai trò của người đứng đầu. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đảm bảo; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu các nền tảng phần mềm còn rời rạc chưa liên thông với nhau; an toàn thông tin an ninh mạng; thủ tục đầu tư công nghệ thông tin còn vướng mắc; kinh phí chi cho CÐS quá lớn nhưng chưa được tính đúng tính đủ vào giá dịch vụ y tế, chưa đưa chi phí công nghệ thông tin vào chi phí khám chữa bệnh; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với bệnh án điện tử; chưa có hướng dẫn chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Trước hàng loạt các khó khăn trong công tác CÐS, ngày 10-8-2023, Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị CÐS ngành y tế Cần Thơ lần thứ I-2023. Hội nghị có sự tham dự Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các vụ, cục có liên quan, các công ty công nghệ thông tin hàng đầu cả nước. Hội nghị nhằm xác định các mục tiêu ưu tiên trong CÐS ngành y tế thành phố; xây dựng các giải pháp. Ðồng thời, giúp các cơ sở y tế trên địa bàn, ngành y tế các địa phương có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực CÐS và được tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm số hóa từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường, ngành y tế đề ra 4 nhóm giải pháp thực hiện CÐS: Về cơ chế chính sách, doanh nghiệp, nhân sự và tài chính. Cụ thể về nhân sự thì phải có đề án vị trí việc làm công nghệ thông tin trong hệ thống y tế; Cục Khoa học công nghệ và Ðào tạo xây dựng chương trình đào tạo công nghệ thông tin trong y tế. Về doanh nghiệp thì phải có các giải pháp công nghệ thông tin và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành y tế. Về tài chính phải quy định chi phí cho công nghệ thông tin nằm trong cơ cấu giá để tính đúng tính đủ chi phí; cần có quy định mức chi đầu tư cho công nghệ thông tin (từ 1-2% tổng doanh thu của đơn vị). Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Thông tin truyền thông có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin lĩnh vực y tế chiến lược phát triển các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin trong y tế; đặt trung tâm đổi mới sáng tạo tại các cơ sở y tế gắn liền với bệnh nhân.

Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường thông tin về hoạt động chuyển đổi số ngành y tế TP Cần Thơ.

Ngành y tế xây dựng và tạo lập kho dữ liệu số của ngành; xây dựng trung tâm dữ liệu ngành; kho dữ liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh; kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế; kết nối kho dữ liệu của Bộ Y tế; nâng cấp và hoàn thiện ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe cá nhân tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về khám chữa bệnh: hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh (HIS); triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại bệnh viện hạng I; ứng dụng công nghệ số trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn (big data) kết nối vạn vật y tế (IoMT) chuỗi khối (Blockchain).

Về y tế cơ sở: nền tảng trạm y tế quản lý toàn diện các hoạt động khám chữa bệnh; kết nối liên thông dữ liệu với nền tảng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện tuyến tỉnh; kết nối chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế.

Quản lý y tế không sử dụng hồ sơ giấy trong các hoạt động của ngành y tế số. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, chiến lược phát triển CÐS y tế Cần Thơ là hoàn thiện bộ dữ liệu y tế dùng chung trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống quản lý thông minh chuyên ngành y có khả năng chia sẻ và kết nối các tuyến; xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ sinh thái ứng dụng các tiện ích y tế thông minh hướng đến sự hài lòng của người sử dụng (nhân viên y tế, bệnh nhân...); xây dựng trung tâm dữ liệu và quản trị dữ liệu từ bộ y tế, thành phố, ngành y tế thành phố đến cơ sở y tế; xây dựng các hệ thống quản lý y tế.

Bài, ảnh: H.HOA

Nguồn: baocantho.com.vn