Giáp Tết, anh Lê Trường An ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, khai trương cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. Sau khi được anh tư vấn, khách hàng “ưng bụng” sản phẩm nào sẽ quét mã QR thanh toán. Bạn bè ví von anh là “startup 4.0” bởi thường xuyên sử dụng các ứng dụng số để thanh toán các loại thuế, phí và giao dịch hồ sơ trực tuyến. Cũng như anh An, nhiều người dân cảm nhận rõ những tiện ích từ thành quả của chuyển đổi số (CÐS), nhất là trong giao dịch với cơ quan nhà nước.
Ông Trần Việt Trường (thứ 2 từ phải qua), Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chứng kiến các đơn vị: Công an TP Cần Thơ, Hội LHPN thành phố và Thành đoàn Cần Thơ ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT.
Xây dựng “niềm tin số” từ dịch vụ công
Vừa nhấp nháp ngụm trà nóng, ông Trần Thanh Mai - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu vực 6, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, vừa lướt nhẹ màn hình điện thoại, mở ứng dụng (app) “Ngân hàng Chính sách xã hội” để kiểm tra tiền hội viên gửi tiết kiệm. “Trước đây, tôi phải đến từng hộ thu tiền và ghi vào sổ, hằng tháng báo cáo số thu, theo dõi dư nợ, tiền tiết kiệm của hội viên qua app của ngân hàng. Hơn nửa năm nay, tôi thao tác hồ sơ hoàn toàn trên mạng. Từ tháng 7- 2023, tôi cũng lãnh tiền trợ cấp cho thương binh qua tài khoản ngân hàng, đỡ phải mất thời gian, công sức đi lại” - ông Thanh Mai chia sẻ. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông phấn khởi khoe vừa được công chức UBND phường hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; trước đó, ông còn được Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng một số ứng dụng số trên điện thoại.
Tuổi cao, ban đầu khi thao tác trên app, ông khá bỡ ngỡ, phải tự mày mò nghiên cứu, thực hành và nhờ con trai hướng dẫn thêm cho đến khi áp dụng tốt trong công việc và được mọi người ví von gọi “Cựu chiến binh 4.0”. Vì vậy, trong đợt cao điểm “50 ngày, đêm” đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân, ông Thanh Mai trở thành tấm gương, cùng cán bộ, chiến sĩ công an, đoàn viên vận động 100% hội viên Chi hội Cựu chiến binh khu vực 6 cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh.
Năm 2023, phường Trà Nóc được UBND quận Bình Thủy chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện CÐS. Ngay từ đầu năm, UBND phường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Nhờ các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 57,3%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 31,51%.
Trong suốt cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, ông Lê Minh Duy, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc cũng háo hức câu chuyện xài app. Ông Lê Minh Duy cho biết: “Chúng tôi vận động người dân trải nghiệm DVCTT để bà con thấy rõ tiện ích, từ đó tin tưởng hơn khi giao dịch hồ sơ qua mạng. Ðể chất lượng DVCTT càng tốt, càng tiện ích, các cơ sở dữ liệu phải được kết nối, liên thông và tích hợp vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”.
Ông Duy chia sẻ, sau một thời gian trải nghiệm, người dân bước đầu thích nghi CÐS, hình thành thế hệ công dân số. Ðây là yếu tố quan trọng hỗ trợ xây dựng chính quyền số, đưa các hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ đến gần với người dân.
Chính quyền số phục vụ công dân số
“Chúng tôi vừa giải quyết một phản ánh của người dân về tình trạng đèn tín hiệu giao thông không hoạt động qua Tổng đài 1022” - một chuyên viên Văn phòng HÐND và UBND huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ khi hướng dẫn chúng tôi tham quan Trung tâm Ðiều hành thông minh (IOC) huyện. Chỉ cần “click chuột”, màn hình led lớn (gồm 6 màn hình ghép, mỗi màn hình có diện tích 55 inches) hiện ra các thông số về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, cùng các hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông; hệ thống tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân… Thông tin thống kê trên nền tảng này giúp lãnh đạo huyện trích xuất, tổng hợp thông tin nhanh chóng và kịp thời nhằm chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của chính quyền các cấp.
Trung tâm IOC huyện Vĩnh Thạnh ra mắt từ cuối tháng 8-2023 (hiện đang được đối tác tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật), tập trung giám sát, điều hành ở 9 lĩnh vực. Ông Cao Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Việc triển khai Trung tâm IOC huyện đặt nền móng trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Bên cạnh giúp lãnh đạo huyện giám sát, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội trên nền tảng số, còn giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ thông minh nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm; đề cao vai trò của người dân trong giám sát hoạt động của hệ thống chính quyền thông qua các ứng dụng di dộng, kết nối mạng xã hội”.
Trung tâm IOC huyện Vĩnh Thạnh ra mắt từ cuối tháng 8-2023, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh giúp lãnh đạo huyện chỉ đạo, điều hành.
Trước huyện Vĩnh Thạnh, huyện Phong Ðiền cũng đã ra mắt Trung tâm IOC huyện (tháng 4-2023); tiếp nối là quận Bình Thủy (tháng 6-2023). Từ tháng 4-2021, Trung tâm IOC thành phố được đưa vào hoạt động. Trung tâm được ví như “bộ não” của thành phố - nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu trên các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các dịch vụ thông minh. Ðặc biệt, Trung tâm có các kênh tương tác với người dân, doanh nghiệp, như tổng đài DVC 1022, ứng dụng trên điện thoại thông minh, mạng xã hội, nhằm lắng nghe, ghi nhận và xử lý kiến nghị người dân.
Cuối tháng 11-2023, thành phố cũng công bố thử nghiệm nền tảng công dân số, thông qua 2 dạng thức gồm: trang thông tin điện tử tại địa chỉ congdanso.cantho.gov.vn và ứng dụng “Công dân số Cần Thơ” trên điện thoại thông minh. Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nền tảng công dân số được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng kho dữ liệu điện tử công dân để tích hợp đồng bộ kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống chính quyền điện tử, định danh theo công dân để tạo thành kho dữ liệu cá nhân cho mỗi người dân.
***
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố được đánh giá chất lượng cao nhất trong 63 tỉnh, thành trong cả nước. Hệ thống đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân như tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến, hỗ trợ chữ ký số cá nhân, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ. Ðến nay, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình điện tử để tổ chức kiểm thử, tích hợp 1.383 DVCTT lên Cổng DVC quốc gia, trong đó có 1.104 DVCTT toàn trình và 279 DVCTT một phần. Tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 60,62%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 42,4%, vượt tỷ lệ được Chính phủ giao (tối thiểu là 30%).
“Làn gió” đổi mới trong số hóa là bước tiến vững chắc để thành phố tăng tốc trên hành trình hướng tới chính quyền số.
Bài, ảnh: Dân An
Nguồn: baocantho.com.vn