HỘI NGHỊ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 15/6/2020, tại tỉnh Vĩnh Long, Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua kết quả PCI 2019.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước. 

PCI của vùng cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Đồng Bằng Sông Hồng. Điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng bền vững qua các năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2019 điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương 5,95 điểm, từ 59 điểm (năm 2015) lên 64,99 điểm (năm 2019).

Trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, ĐBSCL hiện có 5 vị trí, bao gồm: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và TP. Cần Thơ. Điểm chỉ số thành phần của các tỉnh, thành trong vùng cũng có sự cải thiện, đồng đều hơn, cho thấy đã có sự tiến bộ ở tất cả các mảng. Có 5/13 tỉnh trong vùng thường xuyên nằm trong tốp 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, cho thấy ĐBSCL được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI những điểm sáng về đánh giá môi trường kinh doanh của ĐBSCL có thể kể đến là chính quyền địa phương năng động, tiên phong và có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp;  Môi trường kinh doanh bình đẳng, các thành phần kinh tế nhìn chung được đối xử công bằng; chi phí thời gian khi giải quyết TTHC được cải thiện đáng kể; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh ít gặp trở ngại so với các khu vực khác; Nhũng nhiễu ít xảy ra khi giải quyết TTHC..

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng cần cải thiện nhiều khía cạnh để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn trong thời gian tới. Cải thiện chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt là chi phí hậu đăng ký kinh doanh; tiếp tục giảm bớt gánh nặng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; cần chú trọng khuyến khích phát triển thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trong vùng.

Hội nghị cũng được nghe chia sẽ kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương về các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó, đáng chú ý là mô hình Bác sĩ Doanh nghiệp và thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành, UBND quận, huyện (Chỉ số DDCI).

Trung Hậu